Tham gia hội thảo, anh Nguyễn Long Duy, chuyên gia Tư vấn và quản lý chất lượng của Công ty Tetra Pak Việt Nam chia sẻ: "Trong khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là lời cảnh báo cấp thiết với người tiêu dùng thì việc lựa chọn những sản phẩm có dấu hiệu an toàn chính là lời khuyên hữu ích nhất hiện nay. Do đó, dấu hiệu nhận biết an toàn chính là nhãn hiệu sản phẩm tiệt trùng UHT. Công nghệ này đã giúp cho các sản phẩm lỏng đang lưu thông trên thị trường như sữa tươi, sữa đậu nành, nước trái cây…có thời hạn lâu hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm".
Những sản phẩm được chế biến bằng công nghệ tiệt trùng UHT vừa đảm bảo vệ sinh, vừa giữ được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, hương liệu, mùi vị tự nhiên của sản phẩm. Công nghệ tiệt trùng UHT xử lý nguyên liệu như sữa tươi, đậu nành… ở nhiệt độ cao (135-140 độ C) trong thời gian rất ngắn (từ 2 đến 5 giây) rồi làm lạnh ngay xuống 20-25 độ C. Quá trình sản xuất các sản phẩm tiệt trùng này được thực hiện trên dây chuyền tự động hóa cao, an toàn, tự động và tiệt trùng.
Đồng thời, sản phẩm sau quá trình tiệt trùng được đóng gói bằng công nghệ chiết rót vô trùng nên có thể tránh được sự tái nhiễm của vi khuẩn gây hại trong quá trình lưu kho, phân phối ở điều kiện nhiệt độ môi trường. Bao bì tiệt trùng được làm từ 6 lớp nguyên liệu có tác dụng bảo quản sản phẩm hiệu quả, tránh các tác động của môi trường (ánh sáng, độ ẩm, oxy hóa) và của con người (quá trình vận chuyển). Nhờ đó, sản phẩm được tươi ngon trong 6 tháng mà không cần trữ lạnh hay dùng chất bảo quản.
Trao đổi với sinh viên tại buổi hội thảo, anh Nguyễn Long Duy, cho biết thêm: “An toàn cho sức khỏe và hữu ích, thân thiện với môi trường là những lợi ích thiết thực mà các sản phẩm chế biến theo công nghệ tiệt trùng và đóng gói trong bao bì giấy tiệt trùng mang lại". Công nghệ mới này có ưu điểm không cần trữ lạnh, giúp tiết kiệm nhiên liệu điện khoảng 35%. Công nghệ tiệt trùng UHT cũng hơn công nghệ thanh trùng vốn luôn cần phải giữ sản phẩm ở 5 -7 độ C. Ngoài ra, nó còn giảm được năng lượng nhiệt tiêu thụ trong quá trình sản xuất. Qua đó, ước tính giảm tới 40% lượng khí carbon thải ra trong môi trường, hạn chế tối đa gây ô nhiễm trong sản xuất
Các bao bì giấy tiệt trùng, nhờ có cấu trúc đặc biệt và hiệu quả trong việc vận chuyển cũng như bảo quản sản phẩm, đã được trao tặng giải thưởng sản phẩm phát triển bền vững tại Nhà Trắng - Mỹ vào năm 1996. Sau khi dùng xong, vỏ hộp giấy tiệt trùng còn được dùng để tái chế làm nguyên liệu sản xuất mái lợp sinh thái hoặc các sản phẩm khác có giá trị kinh tế cao như túi, hộp giấy bìa, giấy vệ sinh, tập, hộp đựng trứng, văn phòng phẩm...
Trước đó, trong tháng 11, Hội thảo “Công nghệ tiệt trùng UHT trong ngành chế biến và đóng gói thực phẩm dạng Lỏng” cũng đã đến với hơn 1.000 sinh viên Khoa Công nghệ thực phẩm của 4 trường: Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Đại học Tiền Giang, Đại học Nông Lâm Đại học Bách Khoa TP HCM.
Phương Thảo
Tháng 9/2012, thế giới kỷ niệm 60 năm ngày thiết bị đóng gói tiệt trùng đầu tiên ra đời. Tại Việt Nam, công nghệ tiệt trùng UHT đã được ứng dụng trong từ năm 1994 và đến nay đã phổ biến rộng rãi trong ngành chế biến sữa và sữa đậu nành. |