Nhằm tổng kết lại 10 năm triển khai các chương trình về khoa học và công nghệ quốc gia trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực công nghệ và hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa thông qua các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia".
Sự kiện diễn ra vào ngày 4/9 sắp tới tại Hà Nội, quy tụ các nhân tố nòng cốt trong phát triển ngành cơ khí, tự động hóa quốc gia, gồm lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện quản lý các chương trình khoa học và công nghệ, các Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí, Hội tự động hóa Việt Nam, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp...
Hội thảo nhằm đánh giá kết quả triển khai các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa giai đoạn 2010 - 2020, nhìn lại những thành tựu, hạn chế gần 10 năm qua.
Bên cạnh đó, định hướng phát triển ngành công nghiệp cơ khí - tự động hóa trong giai đoạn 2021 - 2030 sẽ được trình bày và lấy ý kiến đóng góp tại hội thảo, với mục tiêu đưa ngành cơ khí bứt tốc, trở thành động lực chủ chốt của nền kinh tế và nắm bắt các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ mới từ các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.
Nhiều đại diện doanh nghiệp đến từ nhiều tỉnh thành như tp. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hưng Yên, Long An, An Giang... hoạt động trong lĩnh vực này như VNRobotics, AMA, Lamico, Vinalift, Thép Việt cũng sẽ có mặt tại hội thảo, giới thiệu về các sản phẩm công nghệ, tự động hóa, robot... và ứng dụng trong hoạt động của doanh nghiệp.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,76%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, đóng góp từ công nghiệp và xây dựng chiếm 51,8 % - cao nhất trong các ngành trọng điểm của Việt Nam.
Trong suốt 10 năm qua, ngành công nghiệp nói chung, phát triển cơ khí, tự động hóa nói riêng được coi là xương sống của nền kinh tế. Trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020, chế tạo máy - tự động hóa là một trong bốn hướng công nghệ ưu tiên, bên cạnh công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ môi trường.
Hiện Việt Nam có hơn 25.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, trong đó có khoảng 1 phần 3 doanh nghiệp nội địa. Xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD mỗi năm nhưng mới đáp ứng được 30% nhu cầu nội địa. Trong khi đó, Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định đẩy mạnh phát triển công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sản lượng xuất khẩu đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.
Yêu cầu này càng trở nên bức thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với các hiệp định EVFTA, CP TPP... cũng đặt ra bài toán nâng tỷ lệ nội địa hóa để tận dụng tối đa các ưu đãi thuế. Lời giải không nằm ngoài nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp, nhất là cơ khí chế tạo.
Phạm Vân
Hội thảo "Nâng cao năng lực công nghệ và hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa thông qua các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia" do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
- Thời gian: 8 giờ sáng thứ tư ngày 4/9. - Địa điểm: Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Các cá nhân, đơn vị quan tâm đăng ký thông tin tham dự sự kiện tại đây. |