Bộ xương hóa thạch 125 triệu năm tuổi của loài Spinolestes xenarthrosus được tìm thấy ở một quặng đá gần thành phố Cuenca ở Tây Ban Nha với lỗ tai, phổi, gan và phần da đầy lông còn nguyên hình dáng, theo Guardian.
Tất cả lỗ tai, phổi, gan, da lông và những chiếc gai nhọn ở phần lưng dưới của con vật đều hóa thạch. Các nghiên cứu thậm chí còn tìm thấy dấu hiệu nhiễm trùng da do nấm ở bộ xương.
Những thợ săn hóa thạch ở Đại học Madrid, Tây Ban Nha tìm thấy hóa thạch Spinolestes vào năm 2011 khi đang bới lớp lá mỏng phủ trên trầm tích đá vôi ở mỏ quặng Las Hoyas. "Kết quả bảo quản mô mềm thật tuyệt vời", Thomas Martin, giáo sư cổ sinh vật học ở Đại học Bon, nhận xét. "Những sợi lông có cùng cấu trúc và tính đa dạng như động vật có vú hiện đại".
Theo nhóm nghiên cứu, gai cứng ở lưng dưới con vật có tác dụng phòng vệ trước các loài thú săn mồi như Pelecanimimus, sinh vật nhiều răng giống đà điểu dài một mét. Những chiếc gai này rất dễ rụng và cắm đầy miệng kẻ thù của Spinolestes. Ngoài ra, con vật còn có vảy nhỏ trên lưng để bảo vệ cơ thể, giống như phiên bản vảy nguyên thủy của loài tatu.
Martin cho rằng sinh vật được bảo quản rất tốt bởi lớp màng vi khuẩn bao phủ xác trong vòng vài tiếng sau khi chết. Lớp màng sinh học này có thể tạo thành vỏ bảo vệ, giúp bảo quản các mô mềm trong thời gian đủ dài để chúng hóa thạch.
Spinolestes thuộc lớp động vật có vú đã tuyệt chủng tên triconodonts. Với chiều dài 24 cm và trọng lượng 70 g, chúng chỉ lớn ngang một con chuột thời nay. Loài vật này chuyên ăn côn trùng. Mẫu vật Spinolestes là ví dụ đầu tiên về động vật có vú thời Đại Trung Sinh với mô mềm hóa thạch ở ngực và ổ bụng.
Xem thêm: Hóa thạch 250 triệu năm tuổi của tổ tiên cá sấu
Phương Hoa