Theo BBC, hang động đá vôi nằm ở gần thành phố Banda Aceh, trên bờ biển tây đảo bắc Sumatra. Theo phân tích của các nhà khoa học, hang động này là nơi lưu giữ nhiều lớp trầm tích cát, từng bị những con sóng lớn đẩy lên bờ qua hàng nghìn năm. Những cơn sóng này do các trận động đất lớn gây ra.
Những lớp trầm tích này có thể dễ dàng được phát hiện giữa các lớp phân dơi. Nhờ đó, nhóm nghiên cứu có thể tìm hiểu về tần suất của các thảm họa tương tự từng xảy ra ở khu vực này, như trường hợp xảy ra vào ngày 26/12/2004.
"Các lớp cát từ sóng thần có thể được nhìn thấy dễ dàng vì chúng bị tách khỏi các lớp phân chim. Do đó việc xác định lớp địa tầng cũng không hề khó khăn", BBC dẫn lời tiến sĩ Dr Jessica Pilarczyk, thành viên của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho biết.
Để xác định niên đại của các lớp trầm tích cũ, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích carbon phóng xạ các vật thể hữu cơ được lấy từ trong lớp đất, như xác động vật thân mềm hay các mẩu than củi được người xưa sử dụng.
Nhóm nghiên cứu đã đào những đường rãnh xuyên qua các dải đất xen kẽ cát và phân dơi. Các dữ liệu được thu thập sau quá trình phân tích sẽ giúp họ nghiên cứu về lịch sử của hang động, cũng như các dấu hiệu khác liên quan đến tác động của thảm họa thiên nhiên từng xảy ra ở đây.
Việc tìm hiểu tần suất và cường độ của những trận động đất, sóng thần sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với người dân sinh sống trong khu vực này. Qua các dữ liệu phân tích, chính quyền địa phương có thể đưa ra các kế hoạch đề phòng cũng như phương án giải quyết ảnh hưởng của thiên tai.
Thùy Linh