Ai đang nói đây? Hãy nghe tai bạn, đừng dùng mắt. |
Các nhà nghiên cứu từ lâu biết rằng, con người đặt niềm tin khác nhau vào những giác quan khác nhau của họ. Điều này đã được những người nói tiếng bụng khai thác triệt để. Họ phát ra âm thanh theo cách mà hầu như môi không cử động, khiến cho người nghe tưởng rằng âm thanh này đến từ một nguồn khác. Thủ thuật đó dựa trên một thực tế rằng con người sử dụng mắt nhiều hơn tai trong việc định vị nguồn phát âm (điều này là do võng mạc mắt rất nhạy cảm với hướng tới của ánh sáng, trong khi tai không nhạy cảm lắm với hướng âm thanh).
"Rạp chiếu bóng chính là nơi áp dụng hiệu ứng nói tiếng bụng kinh điển", David Burr tại Đại học Florence ở Italy, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. Chúng ta cứ tin rằng tiếng nói bắt nguồn từ diễn viên trên màn hình, trong khi thực tế nó được phát ra từ các loa phóng thanh gắn đâu đó trong phòng.
Quan điểm phổ biến lâu nay cho rằng thị giác luôn chiếm ưu thế so với thính giác trong những tình huống như vậy. Nhưng Burr và cộng sự nay chỉ ra rằng điều đó không đúng. Thực chất, cả ám hiệu thị giác và thính giác đều được não bộ cân nhắc, và não sẽ xoáy vào tín hiệu nào mà bạn tin tưởng hơn.
Nhóm nghiên cứu trước hết so sánh khả năng của mắt và tai trong việc nhận biết những di chuyển nhỏ của các kích thích. Để làm điều này, đầu tiên họ chiếu hai vòng tròn lên một màn hình máy tính, vòng này tiếp theo vòng kia, và yêu cầu những người quan sát cho biết vòng nào nằm chếch hơn về phía trái. Tiếp đến, họ phát ra hai âm lách cách qua loa, âm này tiếp theo âm kia, và hỏi người nghe xem âm nào đến từ bên trái hơn. Đúng như dự đoán, người thí nghiệm định vị vòng tròn tốt hơn khi định vị âm thanh.
Nhóm nghiên cứu sau đó kết hợp các kích thích thị giác và thính giác vào một thí nghiệm chung - một vòng tròn và tiếng lách cách xuất hiện đồng thời, một giây sau sẽ phát ra một bộ vòng tròn và âm thanh lách cách khác. Những người tham gia được yêu cầu đánh giá xem bộ kích thích nào nằm lệch về phía trái hơn. Tuy nhiên, tiếng lách tách và các vòng tròn không nhất thiết phát ra từ cùng vị trí. Đôi khi các vòng tròn nằm lệch về phía trái, trong khi âm thanh di chuyển về phía phải, hoặc ngược lại.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy khi các vòng tròn là nhỏ và rõ ràng, người tham gia dùng thị giác thay cho thính giác để đánh giá hướng di chuyển. Nhưng khi các vòng này to ra và trở nên mờ nhạt, những người quan sát dường như tin tưởng vào tai hơn, và sử dụng âm thanh để đánh giá đường đi. Các tác giả gọi hiệu ứng này là "tiếng bụng đảo nghịch", và nó xảy ra do các vòng tròn mờ và lớn hơn được não nhìn nhận là ít tin cậy hơn so với các vòng tròn nhỏ mà sắc nét.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, khi cả kích thích thị giác và thính giác được não bộ đánh giá ngang nhau, hai cơ quan này sẽ làm việc đồng thời để cho ra một đánh giá vận động tốt hơn so với khi chỉ một giác quan được sử dụng.
Bích Hạnh (theo Nature)