Chẩn đoán sớm, tiên lượng và phát triển chiến lược điều trị ung thư gan nguyên phát dựa vào biểu hiện của F12

Cá nhân: Bùi Thị Phường

LĨNH VỰC Y SINH, HóA SINH
Lượt bình chọn:
Bình chọn

Mô tả sản phẩm

Giới thiệu sản phẩm:

Ung thư gan nguyên phát là một trong những biến chứng chính của bệnh gan mãn tính, phần lớn xảy ra trên nền xơ gan và là một trong những loại ung thư phố biến nhất trên thế giới. Đáng lo ngại hơn, ung thư gan nguyên phát khó điều trị và kiểm soát do được phát hiện muộn, bệnh có tiên lượng kém, tỷ lệ tái phát khối u cao, kháng với các liệu pháp hóa trị và xạ trị truyền thống, đặc biệt là các khối u không đồng nhất. Trong khi bệnh ở giai đoạn đầu có tỷ lệ sống sót sau năm năm là 36%, tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn trung gian hoặc muộn khi mà tỷ lệ sống sót sau năm năm chỉ còn từ 3 đến 13%. Việc phát hiện sớm ung thư gan nguyên phát bằng cách sử dụng hình ảnh và các chỉ dấu sinh học có thể cải thiện đáng kể kết quả của bệnh nhân. Tuy nhiên, các phương pháp dùng chẩn đoán và tiên lượng bệnh hiện nay vẫn còn rất nhiều hạn chế trong việc phát hiện sớm cũng như theo dõi các giai đoạn phát triển của bệnh.
Gần đây, sự tiến bộ về cơ chế bệnh sinh phân tử của ung thư gan dẫn đến việc phát triển các liệu pháp điều trị mới đã được phê duyệt, nhưng các lựa chọn điều trị cho bệnh ở giai đoạn muộn vẫn còn hạn chế. Mặc dù bước đầu đã có những kết quả lâm sàng đầy hứa hẹn với các chất ức chế điểm kiểm tra miễn dịch, nhưng vai trò của chúng trong bệnh ung thư gan nguyên phát vẫn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, tuy đã có những thành công đáng kể của các liệu pháp nhắm mục tiêu trong việc kiểm soát nhiều bệnh ung thư khác, ung thư gan nguyên phát là một trong những khối u ác tính cho đến nay ít có hiệu quả nhất từ những liệu pháp này.
Chính vì những lý do đó, việc nghiên cứu và phát hiện ra một chỉ dấu sinh học có thể giúp chẩn đoán sớm, tiên lượng và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan là vấn đề cần được quan tâm hơn.
Gen F12 mã hóa cho yếu tố đông máu XII (FXII) là một glycoprotein được tổng hợp bởi gan và được lưu thông trong máu dưới dạng zymogen. F12 là một protease serine tuần hoàn, được kích hoạt thành F12a bởi kallikrein huyết tương và các bề mặt tích điện âm. F12 vừa là prothrombotic thông qua F11 để kích hoạt con đường đông máu nội tại, vừa là tiền viêm bằng cách kích hoạt con đường kallikrein-kinin để giải phóng peptide bradykinin. Sự liên kết của bradykinin với thụ thể kinin B2 kết hợp với protein G bắt đầu các con đường truyền tín hiệu nội bào có thể đẩy nhanh quá trình hình thành mạch và phát triển một số loại ung thư. Tuy nhiên, vai trò của gen F12 trong ung thư đến nay vẫn còn chưa rõ ràng và ít có nghiên cứu liên quan, đặc biệt là chưa có nghiên cứu nào trên ung thư gan.
Với mong muốn góp phần cung cấp những thông tin hữu ích trong quá trình tìm kiếm và phát triển một chỉ dấu sinh học mới có hiệu quả hơn các phương pháp hiện có, đề tài “Chẩn đoán sớm, tiên lượng và phát triển chiến lược điều trị ung thư gan nguyên phát dựa vào biểu hiện của F12” được thực hiện.
Trong nghiên cứu này, hồ sơ biểu hiện gen và thông tin lâm sàng của bệnh nhân ung thư gan được sử dụng để chứng minh F12 là chỉ thị sinh học tiềm năng trong chẩn đoán sớm, tiên lượng và xây dựng chiến lược điều trị ung thư gan dựa vào dữ liệu được thu thập từ cơ sở dữ liệu TCGA và GEO. Sau đó, chỉ thị sinh học này được thử nghiệm trên mẫu mô và mẫu máu của người Việt Nam bằng phương pháp RT-qPCR. Kết quả cho thấy F12 là chỉ thị giúp chẩn đoán ung thư gan tốt hơn AFP. Trong đó, F12 có biểu hiện thấp ở mô ung thư và có thể chẩn đoán tốt ở các nhóm xơ gan, AFP thấp và đặc biệt là nhóm bệnh nhân ở giai đoạn rất sớm và sớm. Ngoài ra, F12 giúp tiên lượng bệnh và dự đoán đáp ứng điều trị của bệnh nhân với liệu pháp TACE và sorafenib. Theo đó, những bệnh nhân có chỉ số tiên lượng cao sẽ có thời gian sống và thời gian tái phát lâu hơn so với những bệnh nhân có chỉ số tiên lượng thấp. Hơn nữa, những bệnh nhân ung thư gan có chỉ số tiên lượng thấp thì phù hợp với liệu pháp điều trị bằng Sorafenib. Còn những bệnh nhân ung thư gan nào có chỉ số tiên lượng cao thì sẽ đáp ứng tốt với liệu pháp TACE. Điều này có thể giúp phát triển chiến lược điều trị cho bệnh nhân ung thư gan, mở ra hướng nghiên cứu mới và có ý nghĩa quan trọng trong thời đại y học cá nhân hoá và y học chính xác ngày nay.

Tính năng cơ bản:

Kết quả của nghiên cứu đã tìm và chứng minh được F12 là một chỉ thị có thể giúp chẩn đoán ung thư gan tốt hơn AFP. Trong đó, F12 có biểu hiện thấp ở mô ung thư và có thể chẩn đoán tốt ở các nhóm xơ gan, AFP thấp và đặc biệt là nhóm bệnh nhân ung thư gan giai đoạn rất sớm và sớm. Hơn nữa, nghiên cứu cũng đã chứng minh được giá trị chẩn đoán của F12 trên mẫu bệnh nhân người Việt Nam. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chứng minh được F12 trong tiên lượng bệnh ung thư gan và dự đoán đáp ứng điều trị của bệnh nhân ung thư gan với liệu pháp TACE và Sorafenib. Theo đó, những bệnh nhân có chỉ số tiên lượng cao sẽ có thời gian sống và thời gian tái phát lâu hơn so với những bệnh nhân có chỉ số tiên lượng thấp. Hơn nữa, những bệnh nhân ung thư gan nào có chỉ số tiên lượng thấp thì phù hợp với liệu pháp điều trị bằng Sorafenib. Còn những bệnh nhân ung thư gan nào có chỉ số tiên lượng cao thì sẽ đáp ứng tốt với liệu pháp TACE.

Tính sáng tạo và đổi mới:

Để tìm kiếm chỉ thị sinh học vừa có thể giúp chẩn đoán sớm, tiên lượng bệnh và dự đoán đáp ứng điều trị, các tập hồ sơ dữ liệu được phân tích độc lập để tìm ra các chỉ thị sinh học tiềm năng có thể dùng trong chẩn đoán sớm, tiên lượng bệnh và dự đoán đáp ứng điều trị bằng việc ứng dụng bigdata và học máy. Sau đó, các chỉ thị riêng lẻ này được giao với nhau bằng giản đồ Venn để tìm ra chỉ thị có đặc tính chung. Đây là một hướng đi mới mà chưa có nghiên cứu nào trước đó thực hiện. Từ giản đồ Venn, cho thấy gen F12 có tiềm năng trong việc chẩn đoán sớm ung thư gan nguyên phát, đặc biệt, F12 được tiết vào trong máu và có thể được phát hiện trong huyết tương. Đây là một đặc điểm quan trọng cho việc phát triển phương pháp chẩn đoán sớm ít xâm lấn. Dựa vào biểu hiện của F12 có thể cho biết một người nào đó có nguy cơ bị ung thư gan hay không, nếu có thì tiên lượng của người đó ra sao và ứng dụng với tiên lượng đó thì bệnh nhân nên được điều trị bằng phương pháp nào sẽ có hiệu quả tốt hơn. Đây là hướng nghiên cứu mới áp dụng cả chẩn đoán, tiên lượng và dự đoán đáp ứng điều trị trên bệnh nhân ung thư gan.

Tính ứng dụng:

Kết quả nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng và thực hành lâm sàng trong chẩn đoán sớm, tiên lượng và điều trị bệnh nhân ung thư gan. Dựa vào biểu hiện của F12 có thể cho biết một người nào đó có nguy cơ bị ung thư gan hay không, nếu có thì tiên lượng của người đó ra sao và ứng dụng với tiên lượng đó thì bệnh nhân nên được điều trị bằng phương pháp nào sẽ có hiệu quả tốt hơn.

Tiềm năng phát triển:

Trong nghiên cứu này, F12 được so sánh và chứng minh là có khả năng chẩn đoán bệnh nhân ung thư gan tốt hơn AFP. Tuy nhiên, độ nhạy của F12 không cao hơn thang điểm GALAD. Mới đây điểm GALAD cũng được sử dụng trên bệnh nhân Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện trên 86 bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả chỉ ra rằng độ nhạy của AFP, AFP-L3 và DCP lần lượt là 80,2%; 58,1% và 88,4%. Khi kết hợp cả ba chỉ thị này để xây dựng điểm GALAD thì độ nhạy là 94,2%. Mặc dù điểm GALAD có độ nhạy cao trong chẩn đoán ung thư gan nhưng cũng có hạn chế có tỷ lệ dương tính giả cao.
Điểm GALAD là sự kết hợp của ba chỉ thị sinh học là AFP, AFP-L3, DCP và tuổi cùng với giới tính của người muốn chẩn đoán. Độ nhạy và đặc hiệu cao của điểm GALAD chính là do sự kết hợp của các chỉ thị riêng lẻ trên chứ từng chỉ thị riêng lẻ thì độ nhạy và đặc hiệu không cao. Điều này gợi ý rằng có thể kết hợp F12 với một số chỉ thị sinh học khác hoặc các thông tin lâm sàng của người muốn chẩn đoán để có kết quả chính xác hơn.

Lượt bình chọn:
Bình chọn