Thứ bảy, 27/4/2024
Thứ ba, 2/10/2018, 12:21 (GMT+7)

Cuộc sống của đôi sư tử đầu tiên sinh nhờ thụ tinh nhân tạo

Đôi sư tử sinh nhờ thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên trên thế giới khỏe mạnh và nô đùa bình thường sau 5 tuần chào đời ở Nam Phi.

Cuộc sống của đôi sư tử đầu tiên sinh nhờ thụ tinh nhân tạo
 
 

Sư tử con Victor và Isabel ở Trung tâm bảo tồn Ukutula.

Victor và Isabel, hai con sư tử thụ tinh trong ống nghiệm, mở ra hy vọng sinh tồn cho các loài mèo lớn gồm cả hổ và báo tuyết, theo AFP.

Một con sư tử cái sinh ra chúng tại Trung tâm bảo tồn Ukutula ở Pretoria, Nam Phi hôm 25/8 nhờ thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng từ sư tử đực khỏe mạnh sau 18 tháng thử nghiệm.

Hình ảnh mới nhất từ trung tâm bảo tồn cho thấy Victor và Isabel nô đùa cùng nhau và nằm nghỉ ngơi dưới tán cây. Chúng đều khỏe mạnh và bình thường, theo Andre Ganswindt, giám đốc Viện nghiên cứu động vật có vú thuộc Đại học Pretoria.

"Chúng tôi thu thập tinh trùng từ sư tử đực khỏe mạnh, và may mắn là thử nghiệm thành công. Chúng tôi đã thử vài lần, nhưng thật bất ngờ khi quá trình không đòi hỏi quá nhiều nỗ lực. Nếu chúng tôi không làm gì đó, chúng sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng", Ganswindt nói.

Ganswindt và cộng sự hy vọng có thể sử dụng kỹ thuật để cứu những loài mèo lớn nguy cấp khác. Thay vì đưa sư tử đực đến giao phối, kỹ thuật mới cho phép người nhân giống vận chuyển tinh trùng tới chỗ con cái cần thụ thai, tương tự như với voi nuôi nhốt ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Thử nghiệm nằm trong nghiên cứu do Isabel Callealta, bác sĩ thú y người Tây Ban Nha kiêm nghiên cứu sinh ở Đại học Pretoria, tiến hành. Callealta đã huấn luyện sư tử đực nằm cạnh hàng rào để lấy mẫu máu nhằm xác định lượng hormone và đánh giá thời điểm hoàn hảo để thụ tinh.

Sư tử đã tuyệt chủng ở 26 nước châu Phi và số lượng trong tự nhiên giảm 43% trong hai thập kỷ qua, chỉ còn khoảng 20.000 con. Tương tự, có chưa tới 4.000 con hổ hoang dã ở châu Á, gần 7.000 con báo tuyết trên những dãy núi Trung Á và 300 con linh miêu Iberia ở Tây Ban Nha.

Ảnh: AFP