![Cột kim loại trơ trọi giữa vùng đất hoang vu. Ảnh: Cơ quan An toàn cộng đồng bang Utah.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/11/24/VNE-Mono-9964-1606195279.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Mg4IhSzmLa4s98zX53HvsQ)
Cột kim loại trơ trọi giữa vùng đất hoang vu. Ảnh: Cơ quan An toàn cộng đồng bang Utah.
Cột kim loại cao ước tính khoảng 3 m dường như được chôn xuống đất. Cấu trúc có bề ngoài sáng bóng, tương phản với màu đỏ sậm của nền đá xung quanh. Cơ quan tuần tra đường cao tốc Utah chia sẻ ảnh chụp cả cột kim loại và những con cừu sừng lớn trên mạng xã hội Instagram hôm 21/11.
"Đó là thứ kỳ lạ nhất tôi từng bắt gặp trong suốt thời gian làm việc", Bret Hutchings, phi công lái trực thăng, chia sẻ. "Một trong các nhà sinh vật học trông thấy cây cột đầu tiên khi chúng tôi bay thẳng qua bên trên nó. Anh ấy kêu tôi bay vòng lại để nhìn kỹ hơn". Lúc đó, Hutchings đang điều khiển trực thăng cho Cơ quan An toàn cộng đồng bang Utah.
Theo Hutchings, cấu trúc trông như vật thể nhân tạo và được chôn chắc chắn, không phải thả rơi từ trên cao xuống. Anh nhận xét cây cột và khung cảnh xung quanh giống như cảnh tượng nổi tiếng trong bộ phim 2001: A Space Odyssey của Stanley Kubrick ra rạp năm 1968, trong đó một đàn linh trưởng bắt gặp phiến đá khổng lồ cao sừng sững. Sau khi trông thấy cây cột, nhóm chuyên gia hạ cánh để quan sát gần hơn. Các thành viên trong đoàn đứng lên vai nhau để chạm vào đỉnh cột kim loại.
Cừu sừng lớn sinh sống ở những khu vực vắng vẻ và gồ ghề nhất bang Utah, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệp. Lo ngại các nhà thám hiểm nghiệp dư có thể mắc kẹt ở nơi hoang dã trong lúc tìm kiếm cột kim loại, đoàn nghiên cứu không tiết lộ vị trí chính xác của nó. Một số nhà quan sát nhận xét cây cột trông giống kiến trúc điêu khắc của họa sĩ John McCracken sống ở New Mexico và New York trước khi qua đời năm 2011.
An Khang (Theo Guardian)