Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Australia) chia sẻ về việc kiểm duyệt các công bố khoa học quốc tế.
Tôi có cơ hội được đóng góp cho khoa học qua vai trò chuyên gia bình duyệt, và sau này trong vai trò trách nhiệm hơn là phó biên tập (Associate Editor) cho một số tập san y học, kể cả JBMR - tập san quan trọng và uy tín nhất thuộc ngành xương. JBMR nhận khoảng 1.000 bài báo mỗi năm, nhưng khoảng 80% bị từ chối, chỉ công bố khoảng 15-20%.
Ở những cương vị trên, tôi nhận ra rằng các tập san khoa học là nơi có chế độ kiểm duyệt khắt khe nhất. Thật ra, người trong khoa học không gọi đó là cơ chế kiểm duyệt, mà là gác cổng khoa học. Gác cổng để đảm bảo phẩm chất khoa học được duy trì ở mức độ tốt nhất có thể.
Quy trình và số phận của một bản thảo bài báo khoa học nằm trong sự tương tác giữa ban biên tập và chuyên gia bình duyệt. Nói là ban biên tập, nhưng người trực tiếp phụ trách chính là phó biên tập. Theo quy trình chuẩn này, khi bản thảo bài báo được gửi đến tập san thì hàng loạt việc sẽ được khởi động.
Trước hết, một nhân viên phụ tá của tập san sẽ kiểm tra bản thảo có đạt yêu cầu về cơ cấu, hình thức, các quy định của tập san liên quan đến tài liệu tham khảo và thông tin quan trọng về bài báo, và kiểm tra mâu thuẫn lợi ích của tác giả. Mỗi tập san có quy định riêng và tác giả phải tuân thủ theo một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, phụ tá biên tập còn kiểm tra những câu văn có trùng hợp với các bài báo trước đây để đảm bảo đạo văn và tự đạo văn không xảy ra hay xảy ra ở mức độ có thể chấp nhận được. Bản thảo bài báo không đáp ứng các yêu cầu và quy định kỹ thuật này sẽ được trả lại cho tác giả để chỉnh sửa và nộp lại.
Sau phần kiểm tra kỹ thuật và quy định, tổng biên tập sẽ giao bản thảo cho một phó biên tập phụ trách. Một tập san có 3-5 phó biên tập, mỗi người phụ trách một mảng chuyên môn hẹp. Phó biên tập đọc qua bản thảo và quyết định từ chối hay gửi ra ngoài cho các chuyên gia bình duyệt. Nếu từ chối ngay, thì tác giả sẽ được thông báo trong vòng một tuần bằng thư. Nếu quyết định bản thảo có thể gửi ra ngoài bình duyệt thì 2-3 chuyên gia có tiếng trong chuyên ngành sẽ được mời đảm nhận vai trò này.
Các chuyên gia bình duyệt sẽ đọc và đánh giá bài báo, viết báo cáo gửi cho phó biên tập. Báo cáo của mỗi chuyên gia tập trung vào ý tưởng, phương pháp, và cách diễn giải kết quả. Họ cũng kèm theo một khuyến cáo như: chấp nhận cho công bố không cần sửa; cần sửa chút ít; cần chỉnh sửa nhiều hay viết lại; hay từ chối.
Nếu một trong 3 chuyên gia bình duyệt đề nghị từ chối thì khả năng cao bài báo sẽ bị từ chối. Có nhiều trường hợp bài báo phải trải qua 3 lần bình duyệt và tốn rất nhiều thời gian (trên 12 tháng) nhưng vẫn bị từ chối.
Nếu bài báo được chấp nhận, tác giả sẽ nhận được thư của tổng biên tập hoặc phó biên tập thông báo tin vui. Sau khi xong phần khoa học, bản thảo sẽ được gửi cho bộ phận sản xuất và biên tập của nhà xuất bản. Biên tập viên của nhà xuất bản sẽ xem xét tất cả bảng biểu và văn bản trong bài báo. Đôi khi họ đề nghị chỉnh sửa cách viết cho gọn hơn, rõ ràng hơn, vì nhiệm vụ của họ là tiết kiệm chữ. Sau khi tác giả đồng ý với những chỉnh sửa của biên tập viên, bài báo sẽ được lập tức công bố trên mạng, và sau đó vài tháng sẽ công bố trên báo giấy. Tất nhiên ngày nay có nhiều tập san chỉ công bố trực tuyến chứ không có báo giấy.
Nhà xuất bản còn chịu trách nhiệm gửi hóa đơn về phí xuất bản đến tác giả. Phí xuất bản dao động từ 500 USD đến 3.000 USD, tùy vào nhà xuất bản, tập san, số trang, in màu hay trắng đen và tùy vào nước thường trú của tác giả. Một số nhà xuất bản có chính sách miễn phí cho các tác giả từ các nước đang phát triển như như Việt Nam, Lào, Miến Điện.
Lý do bài báo bị từ chối
Như đề cập trên, đa số bài báo bị từ chối. Tập san có uy tín càng cao và tác động càng lớn thì tỷ lệ từ chối càng cao. Quyết định từ chối gần như là một quy luật trong xuất bản khoa học. Mỗi lần bị từ chối là mỗi cơ hội để cải tiến bài báo. Một số lý do từ chối có thể tóm tắt dưới đây.
Thứ nhất, bài báo không thích hợp cho tập san. Đây là lý do ban biên tập từ chối rất nhanh. Tập san khoa học có đẳng cấp riêng trong chuyên ngành, và đẳng cấp này có thể phân biệt qua hệ số ảnh hưởng IF (impact factor). Tập san có IF cao cũng có nghĩa là có ảnh hưởng lớn, và những tập san này chỉ công bố công trình quan trọng. Nếu công trình nghiên cứu không phải thuộc vào loại “đột phá” thì không nên gửi cho các tập san như Science và Nature, mà nên xem xét đến các tập san chuyên ngành.
Thứ hai, thiếu cái mới. Ban biên tập của bất cứ tập san nào cũng thích cái mới của bài báo, có thể là mới về phương pháp, cách tiếp cận, kết quả, cách diễn giải. Những nghiên cứu mà câu trả lời hay kết quả chẳng ảnh hưởng gì đến chuyên ngành, chẳng gây tác động gì đến chính sách công hay thực hành lâm sàng cũng khó có cơ hội được công bố. Tầm quan trọng và thiếu cái mới trong công trình nghiên cứu là lý do hàng đầu (80% bài báo bị từ chối).
Thứ ba, phương pháp nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu có thể ví von như bộ xương của bài báo; bộ xương cứng thì cơ thể mới đứng vững. Một nghiên cứu trên các nhà khoa học giải Nobel và tổng biên tập cho thấy gần 3/4 bài báo khoa học bị từ chối vì lý do phương pháp không đạt. Trong giới biên tập người ta thường nói chỉ cần nhìn phần phương pháp là có thể đánh giá đẳng cấp tác giả.
Thứ tư, cách trình bày dữ liệu. Nội dung bài báo quan trọng nhưng nếu trình bày không tốt cũng dễ bị từ chối. Có 3 nguyên nhân chính liên quan đến cách trình bày dẫn đến bài báo bị từ chối đăng: trình bày dữ liệu không đầy đủ (32%), có mâu thẫn giữa các dữ liệu trình bày (25%) và không cung cấp đầy đủ chi tiết về phương pháp nghiên cứu (25%).
Thứ năm là vấn đề tiếng Anh. Một nghiên cứu ở Đài Loan cho thấy khoảng 1/4 những bài báo trong ngành y học từ Đài Loan bị từ chối là do tiếng Anh không đạt. Nhiều tập san có thể thông cảm nếu văn phong tiếng Anh có sai sót có thể chỉnh sửa được, nhưng họ không thể chấp nhận bài báo có quá nhiều sai sót về tiếng Anh. Về cách viết, các tập san khoa học không chấp nhận cách viết sử dụng từ ngữ hoa mỹ và sáo rỗng (ít thông tin), hoặc cách viết dùng những từ “đao to búa lớn” mà không có ý nghĩa cụ thể. Ngoài ra, diễn đạt ý tưởng không khúc chiết (21%) và câu văn thừa (11%) cũng là những nguyên nhân bị từ chối.
Nguyễn Văn Tuấn