Một triệu hạt giống cỏ biển đang được gieo xuống đáy vịnh Dale ở ngoài khơi quận Pembrokeshire, phía tây nam xứ Wales trong một nỗ lực trồng mới 20.000 m2 đồng cỏ. Dự án được kỳ vọng không chỉ giúp chống biến đổi khí hậu mà còn cung cấp thức ăn và môi trường sống cho động vật hoang dã như ốc và cá ngựa.
Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF), Tổ chức Cứu hộ Đại dương Sky và Đại học Swansea cho biết cỏ biển hấp thụ khí thải nhà kính carbon dioxide rất hiệu quả, góp phần ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. "Nó hút carbon từ đại dương và 'giam' chúng bên dưới trầm tích biển trong nhiều thiên nhiên kỷ", Tiến sĩ Richard Unsworth từ Đại học Swansea giải thích.
Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy 92% cỏ biển có thể đã biến mất khỏi các bờ biển của Vương quốc Anh trong một thế kỷ qua. Các nhà khoa học hy vọng dự án mới ở Vịnh Dale có thể bù đắp những mất mát này, tạo ra một "vườn ươm" cho cá con và cung cấp môi trường sống cho động vật không xương sống.
Mùa hè năm ngoái, khoảng 750.000 hạt giống cỏ biển đã được thu thập từ các địa điểm xung quanh bở biển Anh và được lưu trữ bên trong các phòng thí nghiệm ở Đại học Swansea. Nhóm nghiên cứu đang đặt chúng vào các bao cát nhỏ và hạ xuống đáy biển. khoảng 250.000 hạt giống khác dự kiến được thu thập và thêm vào đồng cỏ vào cuối năm nay.
Đoàn Dương (Theo BBC)