Cheo cheo lưng bạc hay còn gọi là cheo cheo Việt Nam lần đầu tiên được ghi hình ở miền Nam Việt Nam sau ba thập kỷ, khiến các chuyên gia bảo tồn mừng rỡ vì loài vật chưa tuyệt chủng. Với kích thước lớn cỡ con thỏ, lần xuất hiện gần đây nhất của cheo cheo lưng bạc là cách đây hơn 25 năm, khi nhóm nhà nghiên cứu Việt Nam và Nga thu thập được xác một cá thể từ thợ săn.
"Đã từ rất lâu, loài vật này dường như chỉ còn tồn tại trong trí tưởng tượng của chúng ta", nhà sinh vật học Nguyễn An, chuyên gia bảo tồn của tổ chức phi chính phủ Global Wildlife Conservation (GWC), chia sẻ. "Việc phát hiện cheo cheo vẫn sống sót trong tự nhiên là bước đầu tiên để đảm bảo không để mất chúng một lần nữa, và chúng tôi đang tím kiếm cách tốt nhất để bảo vệ loài vật".
Cheo cheo lưng bạc nằm trong danh sách 25 loài mất tích được tìm kiếm nhiều nhất của GWC. Các nhà khoa học cho rằng sinh vật nhỏ bé này là nạn nhân của tình trạng mất môi trường sống và săn bắn để buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Phát hiện được công bố chi tiết hôm 11/11 trên tạp chí Nature Ecology & Evolution.
Sau khi phỏng vấn dân làng và cán bộ quản lý rừng gần Nha Trang, nhóm nghiên cứu đặt bẫy camera suốt nhiều tháng ở các khu vực mà người dân địa phương báo cáo trông thấy loài vật. Kết quả là họ thu được 275 bức ảnh chụp cheo cheo lưng bạc. Sau đó, các nhà nghiên cứu đặt thêm 29 camera khác ở cùng khu vực. Lần này, họ chụp được tổng cộng 1.881 bức ảnh trong hơn 5 tháng.
Dù được gọi là hươu chuột trong tiếng Anh, cheo cheo lưng bạc không phải hươu hay chuột. Chúng là động vật móng guốc nhỏ nhất thế giới, theo GWC. Loài vật này rất nhát và cô độc, đi bằng đầu móng guốc và có hai răng nanh nhỏ. Chúng thường nặng chưa tới 4,5 kg. Giới nghiên cứu lần đầu tiên mô tả cheo cheo lưng bạc vào năm 1910, khi thu thập 4 mẫu vật quanh Nha Trang.
An Khang (Theo CNN)