
Cháy rừng ở Australia nhìn từ ảnh vệ tinh. Ảnh: NASA
Vệ tinh không gian có thể theo dõi những biến đổi khí hậu của Trái Đất, cung cấp góc nhìn toàn cảnh đáng sợ về những hậu quả của sự tàn phá thiên nhiên và quá trình nóng lên toàn cầu.
Tháng 11/2019, cháy rừng hoành hành nhiều nơi ở New South Wales, Victoria Australia khiến vấn đề an toàn và môi trường trở nên nghiêm trọng. NBC News cho biết, hàng ngàn người dân đã phải rời bỏ nhà cửa vào đêm giao thừa để chạy đến những nơi trú ẩn gần bờ biển.
Hôm thứ năm (2/1), bang New South Wales đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tuần và cũng là lần thứ ba bang này phải đặt ở tình trạng này kể từ khi các đám cháy bùng phát.
Thông tin từ vệ tinh NASA có thể giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu những hậu quả lâu dài của cháy rừng trong đó có sản xuất các loại khí nguy hiểm là carbon monoxide (CO).
NASA vận hành một nhóm 26 vệ tinh thuộc Hệ thống quan sát Trái đất (EOS) trong đó nổi bật nhất là vệ tinh Terra có kích thước như một chiếc xe buýt vừa đánh dấu 20 năm hoạt động trong không gian vào tháng 5/2019. Các vệ tinh khác như Aqua và Suomi NPP cũng đóng góp vào cơ sở dữ liệu để EOS hoàn thành nhiệm vụ đo lường không khí toàn cầu, biến đổi khí hậu, quan sát đất và nước.

Bản đồ nhiệt vào tháng 5/2019 do vệ tinh Terra ghi nhận dựa vào các phép đo bức xạ sóng cho thấy các số liệu về phát thải nhiệt tăng cao bất thường ở Úc. Ảnh: EOS-Terra/NASA
Từ dữ liệu EOS, hệ thống thông tin của NASA phân tích và xử lý kết hợp với hơn 900 lớp hình ảnh để tạo nên một hệ thống tổng hợp gọi là Worldview giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu thiên tai, dự báo thời tiết, phát hiện sớm các đám cháy rừng dựa theo các biến đổi bất thường về nhiệt, đường hiển thị. Ngoài ra còn có thể xem hình ảnh động thời gian thực tại một vị trí bất kì.
Một đợt hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra vào tháng 10/2019 kéo theo hơn 100 vụ cháy diễn ra trong vài tháng tiếp theo. Theo đại diện NASA mô tả theo dữ liệu ảnh vệ tinh, tính đến ngày 12/12, các vụ cháy rừng ở New South Wales đã tàn phá hơn 27.000 km2.
Các vụ cháy rừng hoành hành trên bờ biển phía Đông của Australia khiến không khí thành phố Sydney rơi vào tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Các chỉ số đo được ở tầng đối lưu do vệ tinh Terra cho thấy mức độ khí CO tăng cao bất thường do cháy rừng và khí thải của các nhà máy.Vệ tinh đo lượng mưa của NASA quan sát thấy khí hậu nóng và khô bất thường hồi tháng 11 là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy rừng. Vệ tinh này đã phóng các cảm biến nhiệt vào không gian sau đó đo các bức xạ của Mặt trời phản xạ lên bề mặt Trái Đất trong những tháng đầu tiên đám cháy rừng xảy ra.
An Phạm (Theo Space)