Theo International Business Times, nam sinh đến từ Quebec, Canada, đưa ra giả thuyết người Maya chọn địa điểm xây dựng những thị trấn và thành phố theo một số chòm sao quan trọng. Sử dụng ảnh chụp vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ Canada, cậu bé xác định vị trí của một thành phố Maya vô danh trên bản đồ Google Earth và đặt tên nơi này là K'aak Chi hay Miệng Lửa.
Nhờ giả thuyết và phát hiện mang tính đột phá của mình, Gadoury được Cơ quan Vũ trụ Canada trao tặng huân chương danh dự. Cậu bé sẽ chính thức công bố phát hiện tại Triển lãm Khoa học Quốc tế ở Brazil đầu năm sau, đồng thời xuất bản báo cáo trên một tạp chí khoa học.
"Cháu không hiểu rõ tại sao người Maya xây dựng các thành phố cách xa sông ngòi, đất canh tác và đồi núi. Họ phải có lý do khác. Khi biết họ tôn thờ những ngôi sao, cháu quyết định chứng minh giả thuyết của mình. Cháu vô cùng bất ngờ và phấn khích khi nhận thấy những ngôi sao sáng nhất trong chòm sao cũng tương ứng với các thành phố lớn nhất của người Maya", Gadoury chia sẻ.
"Điều thú vị trong dự án của Gadoury chính là chiều sâu của nghiên cứu. Việc liên hệ vị trí ngôi sao với địa điểm thành phố thất lạc và sử dụng ảnh chụp vệ tinh trên phạm vi rất nhỏ để xác định dấu vết bị chôn vùi bên dưới thảm thực vật dày đặc quả là ý tưởng xuất sắc!", Daniel De Lisle, đại diện Cơ quan Vũ trụ Canada, nhận xét.
Sau khi phân tích 22 chòm sao Maya và kết hợp với bản đồ, Gadoury nhận thấy hình dáng của mỗi chòm sao tương ứng với vị trí chính xác của 117 thành phố Maya. Khi phân tích chòm sao thứ 23, cậu bé cho rằng thành phố 118 nhiều khả năng nằm ở một khu vực tương đối hẻo lánh trên bán đảo Yucatan, Mexico.
"Phát hiện ra cấu trúc nhân tạo ẩn giấu trong rừng rậm ở Yacatan không phải việc khó khăn, điều tuyệt vời là việc sử dụng ảnh vệ tinh cũng như phần mềm xử lý ảnh kỹ thuật số giúp nhận biết những cấu trúc kiểu này và xác nhận sự tồn tại của chúng sau hàng trăm năm rơi vào lãng quên", tiến sĩ Armand LaRocque ở Đại học New Brunswick, Canada, một chuyên gia cảm biến từ xa, cho biết.
Xem thêm: Bé gái tìm thấy bùa hộ mạng 3.200 năm tuổi của pharaoh
Phương Hoa