Một số nhà khoa học cho rằng tại thời điểm nào đó trong quá khứ, sao Hỏa từng là hành tinh tràn đầy sức sống và ấm áp gần giống như Trái Đất ngày nay. Hoạt động núi lửa đóng vai trò quan trọng trong sự tuần hoàn của khí quyển. Phần lõi nóng giúp sao Hỏa duy trì từ trường, bảo vệ hành tinh khỏi tác động của gió Mặt Trời. Nhưng sau đó phần lõi lạnh đi, tất cả từ trường biến mất, không khí trở nên loãng và toàn bộ sao Hỏa bắt đầu đóng băng.
Theo Futurism, con người có thể biến đổi môi trường trên sao Hỏa thành nơi thích hợp với sự sống. Đầu tiên, chúng ta cho nổ vũ khí nhiệt hạch tại hai cực sao Hỏa, làm tan CO2 đông lạnh để tạo ra bầu khí quyển. Bầu khí quyển mới hình thành sẽ hấp thụ ánh sáng Mặt Trời, khiến hành tinh ấm lên. Nhiệt độ gia tăng làm băng CO2 ở vùng cực tan chảy nhiều hơn và quá trình trên tiếp tục lặp lại.
Nhiều loài sinh vật do con người tạo ra nhờ công nghệ sinh học được dùng để thay đổi cấu trúc đất trên sao Hỏa, giải phóng oxy vào khí quyển. Các nhà khoa học tìm cách chuyển hướng sao chổi và tiểu hành tinh bay tới sao Hỏa, giải phóng nhiệt lượng từ những cú va chạm. Quá trình này cũng cung cấp thêm nước cho sao Hỏa, do thành phần cấu tạo của sao chổi và tiểu hành tinh chứa băng đá.
Con người đưa lên hành tinh đỏ những cỗ máy phát thải CO2 điều khiển từ xa, nhằm đẩy nhanh quá trình hình thành bầu khí quyển. Nhiều chiếc gương khổng lồ bay theo quỹ đạo có thể tập trung ánh sáng Mặt Trời vào các cực sao Hỏa, giải phóng nước chứa trong những tảng băng khổng lồ tại đây.
Dù sử dụng riêng rẽ hay kết hợp các phương pháp trên, con người vẫn phải tìm cách kích hoạt lại lõi sao Hỏa để tạo ra từ trường ổn định. Theo các nhà khoa học, bất kỳ bầu khí quyển nhân tạo nào cũng tồn tại nhiều nghìn năm trước khi tiêu tan bởi gió Mặt Trời. Do đó, con người có nhiều thời gian để cải tạo sao Hỏa thành Trái Đất thứ hai.
Xem thêm: Bằng chứng cho thấy sao Hoả có sự sống
Lê Hùng