Cần lọc nước có thể cứu sống nhiều người
Thiết bị lọc nước mang tên LifeStraw, do tập đoàn Vestergaard Frandsen Group (Thụy Sĩ) thiết kế, có khả năng lọc nước bẩn thành nước tinh khiết nhờ sử dụng bảy màng lọc.
LifeStraw có thể lọc nhanh cho nhiều người uống mỗi ngày mà chất lượng nước lọc vẫn đảm bảo. Thiết bị này có thể ngăn chặn các vi khuẩn gây bệnh lan qua đường nước uống, như thương hàn và tiêu chảy - hai bệnh mỗi năm giết chết 2 triệu người ở các quốc gia đang phát triển - do đó mà nó có thể cứu sống được nhiều người.
LifeStraw cũng có thể tạo ra nước uống an toàn cho những nạn nhân sóng thần, động đất và nhiều loại thiên tai khác. Và đặc biệt nó có thể giúp bạn đi dã ngoại, nghỉ mát... ở những nơi xa xôi mà không sợ phải uống nước bẩn vì thiết bị này nhỏ gọn có thể mang đi bất cứ đâu.
Xăm thông tin trên trái cây
Nhà phát minh Greg Drouillard, người Mỹ, đã nghĩ ra một cách mà không ai có thể bịt mắt được khách hàng mua trái cây. Công nghệ này sử dụng tia laser để khắc thông tin trên trái cây (như chủng loại, trọng lượng, xuất xứ...) mà không làm thâm hoặc xước trái cây, thậm chí còn tạo ra vẻ đẹp tự nhiên hiếm có cho trái cây đó.
Người mua cũng không cần cắt bỏ phần được xăm trên vỏ vì vẫn có thể ăn được. Quy trình này còn cho phép nhà cung cấp gắn được nhiều thông tin rõ ràng vào từng hạng mục quả, ví dụ như khi nào sẽ là thời điểm tốt nhất để ăn quả đào hoặc táo.
Cửa thông minh
Kiến trúc sư Rikiya Fukuda, người Nhật, đã phát minh một loại cửa tự mở ra với kích cỡ chỉ vừa với dáng của một người hoặc một vật thể đi qua cửa. Công nghệ này giúp tiết kiệm năng lượng bằng cách giữ cho cửa khỏi phải lặp đi lặp lại việc mở hết cửa.
Điều này giúp duy trì nhiệt độ cân bằng trong phòng và có thể ngăn chặn bụi bẩn cũng như các vật liệu khác khỏi bắn vào bên trong phòng. Nói chung, nó có thể mở ra lối đi chỉ vừa đủ cho một con chó nhưng lại có thể mở lớn vừa đủ cho chiếc xe hơi chạy vào gara.
Dây thừng thông minh như robot
Đối với lính cứu hỏa hay những người thích leo núi, dây thừng an toàn là điều thiết yếu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp tử nạn do dây thừng bị đứt trong khi đang trèo. Mới đây phòng thí nghiệm Squid Laboratory (Mỹ) đã cho ra đời loại dây thừng mang tên Smart Rope.
Bên trong dây có gắn các sợi kim loại dẫn điện, nó có thể cảm nhận được trọng lượng của người sử dụng và cảnh báo cho họ biết khi nào nó không chịu nổi sức nặng nữa và sắp sửa đứt. Smart Rope cũng có thể được sử dụng để căng cánh buồm và các hoạt động cứu trợ khác.
Robot giúp con người giải trí
Tập đoàn ZMP (Nhật Bản) đã chế tạo loại robot thông minh Nuvo. Với chiều cao chỉ 40cm, Nuvo có thể khiêu vũ, nói chuyện, chơi nhạc, báo giờ, thậm chí còn có thể bắt tay và nâng niu chiều chuộng bạn như một “người vợ hoặc chồng”. Nó có thể thực hiện được 40 lệnh đơn giản của bạn.
Nhờ có 15 khớp “xương” trên cơ thể, Nuvo có thể thực hiện được những thói quen đặc trưng như trồng cây chuối hoặc đi lại tự do trong nhà. Ngoài ra, nó còn có thể chụp ảnh và truyền tải tới điện thoại di động của bạn nhờ có các thấu kính Cyclop cực kỳ nhạy bén ở đầu, giúp bạn không phải lo lắng trộm đột nhập vào nhà khi bạn đi ra ngoài.
Xe đạp điện chạy nhanh như... môtô
Với trọng lượng 90 kg, chiếc xe đạp ENV bằng nhôm này có thể chạy với tốc độ tới 90 km/h nhờ động cơ chạy bằng hydro.
Khi chạy với tốc độ trung bình, nó mất khoảng 4 USD để chạy khoảng 160km và sẽ giúp con người giảm được ô nhiễm môi trường. Tập đoàn năng lượng Intelligent Energy cho biết loại xe này sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2007.
Nhân bản chó từ gene đầu tiên
Các nhà khoa học Hàn Quốc, đứng đầu là giáo sư Woo Suk Hwang, đã nhân bản thành công chú chó đầu tiên trên thế giới bằng gene mang tên Snuppy.
Gene của Snuppy được lấy từ một con chó trưởng thành ở Afghanistan, khác với phương pháp nhân bản mà các nhà nghiên cứu cấy ghép tinh trùng và trứng như trước đây. Kỹ thuật cho ra đời chó nhân bản gene này cũng tương tự kỹ thuật mà các nhà khoa học Anh từng làm với chú cừu Dolly.
Việc nhân bản gene thành công này sẽ mở ra nhiều triển vọng cho những cặp vợ chồng vô sinh muốn có con, đồng thời giúp loài người có thể khám phá các phương pháp điều trị cho nhiều bệnh hiểm nghèo mà ngày nay chúng ta vẫn bó tay.
(Theo Tuổi Trẻ)