Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019) tổ chức ngày 3/10 thảo luận về chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ 4, đại diện nhiều bộ, ngành đã hiến kế cho Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số đã diễn ra nhiều năm qua, nhưng chỉ khi xuất hiện các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số mới thực sự tăng tốc. Chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số và xã hội số, chỉ khi đó mới là môi trường tốt nhất cho đổi mới sáng tạo.
Theo ông, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đây lại càng là lợi thế của Việt Nam, nếu có chính sách phù hợp thì sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng thể chế thì quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hoá Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số.
"Cái mới thì chưa biết nên cũng không thể biết cách quản lý, do vậy cơ chế sandbox, tức là cho thí điểm, nhưng giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định, là cách tiếp cận cái mới tốt nhất, (Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - đã chỉ ra)", Bộ trưởng Hùng nói.
Nếu chúng ta coi mục tiêu của chuyển đổi số là phát triển quốc gia hùng cường, động lực của chuyển đổi số là thể chế, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì tiền đề của chuyển đổi số chính là an toàn, an ninh không gian mạng. Việt Nam muốn dựa vào chuyển đổi số để phát triển thành quốc gia hùng cường thì phải là cường quốc về an ninh mạng để đảm bảo an toàn cho quá trình này, tạo niềm tin số cho mọi người.
Để chuyển đổi số, theo vị trưởng ngành Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một, đẩy nhanh việc số hoá và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực. Bước hai, sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Tại diễn đàn, đại diện nhiều địa phương cũng chia sẻ về những việc đang triển khai trong cuộc cách mạng lần thứ 4. Trong đó Hà Nội đang trong quá trình chuyển đổi số với mô hình thành phố thông minh, thực hiện từ năm 2017-2018; ứng dụng công nghệ thông tin bằng việc sử dụng phần mềm quản lý nhà thuốc, bảo hiểm xã hội... Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiến hành xây dựng các quy chuẩn của khung chính quyền điện tử Trung ương.
TP HCM cũng có đề án xây dựng thành phố thông minh, triển khai từ năm 2017. Đến nay, thành phố đã xây dựng trung tâm quản lý thành phố với việc tích hợp hơn 2.000 camera quanh thành phố giúp phân tích dự báo các vấn đề phát sinh như tắc nghẽn giao thông, ngập nước...
Nhiều địa phương khác cũng có đề án thành phố thông minh, bước đầu áp dụng chuyển đổi số. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, công cuộc này đang theo hướng "trăm hoa đua nở", đầu tư không có trọng tâm. Cách này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc kết nối, khi cần đưa ra bài bản thì bị tắc nghẽn. Vì vậy cần đầu tư mô hình thí điểm có trọng tâm.
"Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với từng địa phương để giải quyết những khó khăn, hướng dẫn để nhân rộng. Cần tạo ra các doanh nghiệp công nghệ thông tin mạnh, phân vai doanh nghiệp nền tảng làm các nhiệm vụ khác nhau để đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số", ông Hùng nói.