Dữ liệu về công bố quốc tế từ 1990 đến nay cho thấy nghiên cứu khoa học Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, với tỷ lệ tăng trưởng trong 15 năm qua khoảng 17%/năm. Nhưng đa số (gần 80%) những bài báo công bố đều có yêu tố hợp tác quốc tế.
Bốn giai đoạn phát triển
Theo cách nhìn của lý thuyết phát triển, nền khoa học của một quốc gia trải qua bốn giai đoạn. Mỗi giai đoạn được định hình bởi một vài chỉ số về trắc lượng khoa học và hợp tác quốc tế.
Trong giai đoạn đầu, tiền phát triển, mức độ hoạt động nghiên cứu khoa học còn thấp vì chúng chỉ được thực hiện bởi một nhóm nhỏ nhà khoa học. Ở giai đoạn này, cơ chế tài trợ cho nghiên cứu còn nhiều bất cập và chưa định hướng nghiên cứu rõ ràng. Hai đặc điểm chính của thời kỳ này là số lượng bài báo khoa học thấp và dao động nhiều giữa các năm, rất ít hợp tác quốc tế.
Giai đoạn hai được xem là thời gian xây dựng. Lúc này, số lượng bài báo gia tăng và hướng nghiên cứu cũng bắt đầu định hình. Giới khoa học bắt đầu hội nhập thế giới, qua thiết lập những mối liên hệ với đồng nghiệp nước ngoài. Do đó, mặc dù số lượng bài báo tăng nhanh, nhưng đa số là do hợp tác quốc tế. Trong hợp tác này, vai trò của nhà khoa học địa phương còn khiêm tốn, thường là thứ phát, vì người chủ trì dự án nghiên cứu thường là nước ngoài.
Giai đoạn ba là củng cố và mở rộng. Thời gian này, quốc gia đã có cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học và năng lực khoa học tạm vững vàng. Tài trợ cho nghiên cứu khoa học bắt đầu tăng nhanh và có chương trình rõ ràng hơn. Các tập san khoa học nội địa cũng bắt đầu quốc tế hóa và xác suất cao được chấp nhận trong danh mục ISI hay Scopus. Số bài báo khoa học và bài báo hợp tác quốc tế cũng tăng, nhưng tỷ trọng bài báo hợp tác quốc tế bắt đầu giảm dần.
Giai đoạn sau cùng là quốc tế hóa. Năng lực nghiên cứu khoa học được mở rộng, các trung tâm nghiên cứu bắt đầu "trưởng thành" và có thể đóng vai trò lãnh đạo trong các chương trình hợp tác quốc tế. Số bài báo khoa học vẫn tăng, chất lượng khoa học cải tiến, và nghiên cứu bắt đầu có tác động trên trường quốc tế. Hợp tác quốc tế trong giai đoạn này không cao như giai đoạn xây dựng, và các nhà khoa học nội địa là những người đứng đầu trong dự án hợp tác khoa học.

Bốn giai đọan phát triển khoa học của các nước Đông Nam Á dựa trên phân tích trắc lượng khoa học.
Khoa học Việt Nam đang ở đâu
Những dữ liệu về công bố quốc tế và xu hướng hợp tác quốc tế cung cấp bức tranh chung về quá trình phát triển khoa học. Các nước như Campuchia, Lào, Brunei và Myanmar đang trong giai đoạn tiền phát triển, vì số công bố quốc tế còn thấp và chủ yếu do hợp tác quốc tế.
Việt Nam, Philippines và Indonesia đã bước ra khỏi thời kỳ tiền phát triển và đang trong giai đoạn II, xây dựng. Điều này thể hiện ở đặc điểm nghiên cứu tăng nhanh thể hiện qua số công bố quốc tế; tỷ trọng hợp tác quốc tế rất cao (gần 80%) và chủ yếu nhà khoa học nước ngoài đóng vai trò chủ trì.
Dữ liệu trắc lượng khoa học cho thấy Thái Lan và Malaysia đang trong giai đoạn củng cố và mở rộng (giai đoạn III). Số bài báo khoa học của hai nước cao gấp 3-4 lần Việt Nam. Còn tỷ trọng hợp tác quốc tế của họ 20 năm qua dao động 50-60%, đa số do giới khoa học nội địa chủ trì. Ngoài ra, các đại học của Thái Lan và Malaysia đang thu hút nghiên cứu sinh từ nước ngoài (kể cả Việt Nam) và mở rộng hợp tác nghiên cứu sang các nước lân cận như Lào, Campuchia.
Trong ASEAN chỉ Singapore là ở giai đoạn IV, tức quốc tế hóa. Mặc dù số bài báo khoa học năm 2016 của Singapore xấp xỉ Malaysia nhưng chất lượng nghiên cứu của Singapore lại cao hơn. Khoảng 60% nghiên cứu từ quốc gia này có yếu tố hợp tác quốc tế nhưng nhà khoa học của họ lại chủ trì các dự án này. Singapore không chỉ thu hút nghiên cứu sinh từ nước ngoài mà còn tích cực tài trợ một số dự án quốc tế. Do đó, nền khoa học Singapore đã ở mức độ quốc tế hóa.
Quay lại với thực trạng của Việt Nam, thời gian xây dựng đã diễn ra hơn 25 năm, nhưng tỷ trọng hợp tác quốc tế của ta vẫn còn ở mức lệ thuộc 75-80%. Trong khi Thái Lan, thời gian xây dựng chỉ khoảng 20 năm, hay Malaysia 15 năm.
Hơn 25 năm, nội lực khoa học Việt Nam vẫn chưa phát triển theo nhịp độ các nước trong vùng. Những kết quả này có thể làm nền tảng để Việt Nam phải suy nghĩ lại về chiến lược nghiên cứu và tổ chức hoạt động khoa học để đạt được sự tăng trưởng tốt và bền vững hơn trong tương lai.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn
Đại học New South Wales, Australia
Các nhà khoa học và độc giả có bài viết liên quan đến công bố quốc tế, mời gửi vào hòm thư giaoduc@vnexpress.net.