Thomas là lập trình viên người Đức, sống ở San Francisco. Năm 2011, khi Bitcoin còn xa lạ với nhiều người, anh đã thực hiện một video giải thích Bitcoin là gì trên YouTube. Một người hâm mộ đã tặng anh 7.002 Bitcoin (BTC) để cảm ơn vì đã giúp lan tỏa tiền mã hóa này đến với nhiều người. Khi đó, số Bitcoin này trị giá khoảng 6.000 USD.
Để bảo mật, anh cất toàn bộ khóa cá nhân (private key) của ví chứa 7.002 BTC trên IronKey. Anh đã cẩn thận viết lại mã khóa của IronKey vào một tờ giấy. Không may ít năm sau, Thomas làm mất tờ giấy và cũng quên luôn cả mật khẩu truy cập.
Cơ chế của IronKey cho phép người dùng nhập sai mật khẩu 10 lần, sau đó ví tự động mã hóa mọi thứ bên trong. "Tôi chỉ nằm trên giường nghĩ về mật khẩu đã quên. Tôi lục tung máy tính, tìm các mật khẩu có thể để thử nhưng đều thất bại", Thomas kể với New York Times.
Sau 8 lần thử thất bại, chủ nhân của 7.002 Bitcoin nói anh gần như tuyệt vọng. Anh còn lại hai lần thử và nếu sai, 232 triệu USD sẽ biến mất vĩnh viễn.
Theo Vanguard-x, vẫn còn một cơ hội để lấy lại số Bitcoin là Thomas có thể thuê chuyên gia tìm lỗ hổng bảo mật của IronKey. Tuy nhiên, nhà phát triển ví khẳng định việc hack vào hệ thống gần như không thể và họ cũng không muốn đánh đổi để tạo ra tiền lệ.
Đến nay, video giải thích về Bitcoin của Thomas đã có hơn 10 triệu lượt xem. Nhiều người vẫn vào phần bình luận để nói về số phận của 7.002 BTC này. Thomas cho biết sau nhiều biến động của thị trường, anh gần như đã "bình yên với mất mát" và thành lập một công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa.
Mạng Bitcoin cho phép người dùng có thể tạo địa chỉ ví và khóa riêng được liên kết, chỉ người tạo mới biết. Họ không cần thông qua bất kỳ một tổ chức tài chính hoặc bước xác nhận danh tính nào. Tuy nhiên, mặt trái là mỗi người đều phải tự chịu trách nhiệm về tài sản của mình, không có ngân hàng trung ương hay tổ chức nào đứng ra giữ tiền giúp hoặc giải quyết các vấn đề rủi ro.
Để tránh sai lầm như Thomas, một số dịch vụ "quản lý giùm" Bitcoin như các sàn giao dịch tiền số ra đời. Tuy nhiên, những sàn này cũng tồn tại không ít rủi ro, như bị tin tặc tấn công hoặc chủ sàn dùng tiền của người gửi vào cho các mục đích riêng. Ví dụ điển hình là cú sập của sàn giao dịch FTX khi chủ sàn lấy tiền của người gửi cho những việc không nằm trong thỏa thuận. Trước đó, bê bối liên quan đến sàn Mt.Gox nổi tiếng một thời cũng khiến hàng trăm nghìn Bitcoin biến mất.
Năm 2013, một người đàn ông đã ném ổ cứng chứa 7.500 Bitcoin vào thùng rác và đến giờ vẫn chưa tìm lại được. Năm 2019, người sáng lập sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số Quadriga CX bất ngờ qua đời và mang theo toàn bộ quyền truy cập vào ví tiền số của công ty. Thống kê của công ty nghiên cứu Chainalysis cho thấy, khoảng 20% trong số 18,5 triệu Bitcoin đang lưu hành đã bị mắc kẹt trong các ví hoặc đã hoàn toàn mất quyền truy cập.
Khương Nha