Sáng 21/10, phát biểu trong hội thảo về thực trạng nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), PGS Lê Kế Sơn - Giám đốc Dự án quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33) - cho biết, việc xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa chỉ mới khởi đầu, vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức phía trước.
"Với tính chất phức tạp hiện nay thì kế hoạch xử lý xong dioxin sân bay Biên Hòa của Chính phủ đến năm 2020 sẽ không thực hiện được do chúng ta vẫn chưa xác định được công nghệ xử lý, nguồn kinh phí lấy ở đâu", ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, điều quan trọng nhất hiện nay chính là việc ngăn chặn sự lan tỏa ô nhiễm dioxin từ sân bay Biên Hòa ra khu vực xung quanh, đồng thời khuyến cáo người dân cần có những biện pháp để tránh phơi nhiễm mới.
"Thời gian tới Ban chỉ đạo 33 tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến để lựa chọn phương pháp xử lý chất độc hóa học phù hợp nhất tại Sân bay Biên Hòa và vùng phụ cận", ông Sơn nói.
Theo nghiên cứu mới nhất của dự án, khối lượng đất nhiễm chất độc hóa học tại Biên Hòa hiện ước tính khoảng 250.000 m3, nồng độ lên tới 1.180.000 ppt. Với mức độ nhiễm như vậy, việc xử lý triệt để ít nhất phải có 250 triệu USD. Ngoài việc ô nhiễm đất, bùn thì nhiều hồ nước trong và bên ngoài sân bay cũng đang bị nhiễm nặng, đặc biệt là hồ Biên Hùng nằm giữa trung tâm TP Biên Hòa.
Qua nghiên cứu đánh giá cơ bản toàn diện ô nhiễm dioxin trong môi trường tại khu vực và vùng phụ cận, kết quả cho thấy chất độc tiếp tục thâm nhập vào các động vật thủy sinh và chuỗi thực phẩm.
"Cá nuôi và thu hoạch ở các ao hồ trong sân bay đang bị nhiễm cao khiến những người ăn cá và động vật từ khu vực sân bay có nồng độ dioxin cao trong cơ thể", Tiến sĩ Nghiêm Xuân Trường, thành viên của nhóm nghiên cứu dự án cho biết.
Chia sẻ trong hội thảo, đại diện Bộ Quốc phòng cho hay, những năm qua, với nguồn kinh phí khoảng 73 tỷ đồng, Bộ đã xử lý gần 100.000 m3 đất trên diện tích 4,3 ha bằng phương pháp chôn lấp cô lập. Việc chôn lấp đã cách ly hoàn toàn đất nhiễm với môi trường bên ngoài, ngăn không cho dioxin phát tán vào môi trường, góp phần đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã xây dựng công trình ngăn chặn tạm thời sự lan tỏa của dioxin tại sân bay Biên Hòa ra môi trường xung quanh.
Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chính của quân đội Mỹ dùng chứa chất diệt cỏ và phục vụ cho chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền nam Việt Nam. Từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa ra ngoài với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam.
PGS Lê Kế Sơn cho biết khu vực này chính là nơi nhiễm chất độc dioxin có nồng độ nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới.
Hoàng Trường