
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Hoà An thông tin tại họp báo chiều 4/8. Ảnh: Thu Hằng
Thông tin được Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Hoà An nói tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, chiều 4/8.
Bốn ngày trước, gần chục vị trí trên cây cầu tổng vốn đầu tư 3.100 tỷ đồng, được xem biểu tượng mới của thành phố xuất hiện nhiều nét vẽ nguệch ngoạc theo kiểu graffiti (vẽ tranh đường phố), song đến nay cơ quan chức năng chưa tìm ra "thủ phạm".
Về giải pháp, ông An cho biết cơ quan này đang nghiên cứu biện pháp sơn lại các vị trí có thể bị vẽ bậy bằng loại sơn đặc biệt. Vết bẩn bị bôi hoặc xịt lên lớp sơn này có thể xoá bằng nước. "Tuy nhiên, loại sơn này rất đắt, khoảng 300.000 đồng mỗi m2. Bên cạnh đó, ngành giao thông sẽ lắp đặt thêm camera trên cầu để giám sát", ông An nói.

Hai dây văng trên cầu Thủ Thiêm 2 bị vẽ bẩn, sáng 30/7. Ảnh: Đình Văn
Cho rằng việc vẽ lên cầu Thủ Thiêm 2 là "phản cảm", lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố mong các cơ quan tuyên truyền mạnh hơn để các "nhà nghệ thuật đường phố" hiểu và không vẽ ở nơi không được phép. "Việc này cần được quan tâm để các mặt bằng trống của thành phố không bị làm xấu", ông nói.
Tình trạng vẽ bậy, xâm phạm các công trình của thành phố xuất hiện nhiều thời gian gần đây. Chỉ một tuần sau khi khánh thành, hơn 40 nắp chắn rác trên cầu Thủ Thiêm 2 từng bị mất trộm. Người lấy trộm sau đó bị công an tạm giữ. Hồi tháng 6, tàu Metro Số 1 đặt tại depot Long Bình, TP Thủ Đức cũng bị sơn nhiều hình thù khác nhau, đến nay cơ quan chức năng chưa tìm ra người vẽ.
Thu Hằng