Anh Huỳnh Văn Hùng, ở xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau và chị Đỗ Thị Mộng Hiền, có con chung trước khi kết hôn. Hợp pháp hóa được 6 tháng thì mâu thuẫn vợ chồng phát sinh, và khoảng tháng 4/1996, chị Hiền về nhà mẹ đẻ. Năm 1998, anh Hùng đã có đơn xin ly hôn song bị tòa bác. Năm 2000, anh tiếp tục có đơn, nhưng chị Hiền phản đối.
Tháng 4/2000, TAND thành phố Cà Mau chấp nhận đơn của anh Hùng, để chị Hiền nuôi con, anh Hùng đóng góp mỗi tháng hơn 200.000 đồng. Chị Hiền kháng cáo, yêu cầu truy tố anh Hùng vì có quan hệ bất chính với một phụ nữ tên Nhỏ, đòi trợ cấp sinh đẻ và chữa bệnh cho con.
Bản án phúc thẩm tháng 8/2000, TAND tỉnh Cà Mau đã sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu xin ly hôn của anh Hùng, buộc nguyên đơn trợ cấp sinh đẻ 2 triệu đồng và đóng góp phí tổn nuôi con mỗi tháng 200.000 đồng kể từ tháng 4/2000 cho đến khi vợ chồng đoàn tụ.
Anh Hùng khiếu nại, VKSND tỉnh Cà Mau kiến nghị xét lại án phúc thẩm. Tháng 4, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, cho rằng mâu thuẫn vợ chồng Hùng - Hiền đã trầm trọng, cấp phúc thẩm bác đơn là chưa thấu tình, đạt lý. Kết quả, tháng 6 vừa qua, TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm, yêu cầu TAND tỉnh Cà Mau phúc thẩm lại.
Thế nào là tình trạng hôn nhân “trầm trọng”?
Luật Hôn nhân và gia đình năm quy định: “Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, thì quyết định cho ly hôn”. Còn Nghị quyết số 02 năm 2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì hướng dẫn: Tình trạng của vợ chồng là trầm trọng khi hai người không thương yêu, quý trọng, giúp đỡ, chăm sóc nhau, dù đã được hòa giải nhiều lần; vợ hoặc chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau hoặc ngoại tình, dù đã được hòa giải, nhắc nhở.
Trong quan hệ anh Hùng, chị Hiền, hai người chỉ chung sống hợp pháp có 6 tháng nhưng lại ly thân hơn 5 năm, chứng tỏ tình trạng hôn nhân đã rất trầm trọng. Về quan hệ của nguyên đơn với chị Nhỏ, không có nhân chứng nào xác nhận, do đó tòa phúc thẩm căn cứ vào đó để bác đơn xin ly hôn là không đúng.
Thực ra, khái niệm “tình trạng trầm trọng” trong hôn nhân rất trừu tượng. Theo ý kiến của một chuyên gia về hôn nhân và gia đình, dù hướng dẫn của Tòa Tối cao cụ thể như vậy, tòa cũng không thể máy móc mà xét xử. Để giải quyết thấu đáo loại án này, thẩm phán cần phải có trực quan nhạy cảm. Chỉ cần xác định được rằng vợ chồng không còn thương yêu nhau, tôn trọng và tin tưởng nhau thì có thể giải quyết cho ly hôn.
(Theo Pháp Luật)