Hơn 10 ngày qua, gần trăm hộ ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc không thể chạy xe qua ruộng lúa và rẫy thanh long ở gần xã Hàm Phú, bởi vướng rào chắn của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Trong khi đó, đường dân sinh kề cao tốc và hầm chui Cầu Ré ở vị trí này vẫn dang dở. Đất đắp đường đổ nham nhở chưa được lu lèn, ngập nước. Họ phải gửi xe máy ở các vườn thanh long gần đó, rồi đi bộ qua.
Khi có mưa lớn, nước đổ dồn về khiến hầm chui bị ngập sâu, cả khu vực bị chia cắt (do hầm chui làm thấp hơn cốt nền rẫy, ruộng xung quanh). Mực nước có khi dâng đến 1,5 m. Nhiều người không dám lội qua, trừ khi có việc cấp bách phải mạo hiểm.
"Biết là nguy hiểm, nhưng rẫy ruộng bỏ bên đó không ai trông coi", ông Phạm Quang Thành, 57 tuổi nói sau khi bỏ xe máy trên bờ cởi chiếc quần dài vắt lên vai, dò đường lội qua hầm chui ngập nước để qua thăm chòi rẫy và 5 sào ruộng đang canh tác bên kia cao tốc.
Không chỉ ở huyện Hàm Thuận Bắc, mà người dân sống ở gần khu vực cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua tại các huyện từ Tuy Phong vào Hàm Thuận Nam, cũng gặp khó khăn tương tự. Hơn chục cầu vượt và các đường gom dân sinh dọc cao tốc đến nay chưa hoàn thành.
Lùi về phía nam khoảng 54 km, người dân sinh sống và làm nông hai bên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân càng bức xúc hơn. Bởi cao tốc đã khánh thành hơn một tháng nhưng việc thi công đường gom dân sinh và cầu vượt vẫn ì ạch.
Anh Lê Duy Cường, nông dân xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam có hai ha thanh long nằm bên kia cao tốc. Bình thường, đoạn đường anh qua rẫy chỉ khoảng 2 km, nhưng từ khi cao tốc thông xe, anh phải đi đường vòng theo quốc lộ 1 gần 10 km do cầu vượt chưa làm xong. "Trong mùa mưa này, nếu họ làm không xong, đường đất dọc cao tốc bị sình lầy đi lại càng khó hơn, khi thanh long thu hoạch, gọi thương lái vào mua rất khó", anh Cường nói.
Cách đó hơn 15 km, người dân xã Tân Lập đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương vì hơn một tháng qua, họ rất khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản. Trong đó, hai hầm chui qua xã thường xuyên bị ngập khi trời mưa; hai cầu vượt trên đường cao tốc và một số hạng mục chưa xong; nhất là 26 đoạn đường gom dân sinh dọc hai bên cao tốc vẫn dang dở.
Ông Nguyễn Lộc, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho biết việc cầu vượt, đường gom dân sinh chậm hoàn thành sau khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe đã khiến nhiều người bức xúc. Địa phương đã có văn bản đề nghị ban quản lý dự án cao tốc chỉ đạo nhà thầu thi công nhanh các hạng mục, để sớm ổn định việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân.
Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cho biết đã ghi nhận phản ánh của người dân các địa phương liên quan. Nhà thầu đang tập trung thi công các hạng mục còn lại sau khi tuyến chính cao tốc thông xe. "Tiến độ thi công cầu vượt và đường gom dân sinh của dự án đã đạt khoảng 60%, dự kiến đến cuối tháng 6 sẽ hoàn thiện, có đường cho dân đi", ông Thái nói.
Tương tự, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cho hay các nhà thầu ở dự án này đang gấp rút thi công, mục tiêu xong toàn bộ đường gom dân sinh và cầu vượt thuộc đoạn cao tốc này trước ngày 30/6.
"Thời tiết mưa nhiều, đường vận chuyển vật liệu gặp nhiều khó khăn, xe thi công bị hạn chế vào cao tốc, phải chạy đường vòng, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành đúng tiến độ cam kết", ông Huy nói.
Việt Quốc