Nhận định này được các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn "Năng lượng hiện tại và tương lai" ngày 4/5. Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi ràng buộc về môi trường ngày càng chặt chẽ, nặng nề hơn.
Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đang chuyển đổi từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu. Nếu như trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu năng lượng, điện sang Campuchia, Lào... thì nay đang phải mua điện từ những nước này tới hàng tỷ kWh mỗi năm. Nếu trước đây nước ta xuất khẩu than lớn (cao điểm 20 triệu tấn một năm), thì từ năm 2016 đã bắt đầu phải nhập khẩu gần 10 triệu tấn than để phục vụ sản xuất điện. Dự kiến con số nhập than sẽ tăng lên 17 triệu tấn (khoảng 31% nhu cầu than cho phát điện) sau 3 năm nữa và khoảng 90 triệu tấn vào năm 2030...
Thêm vào đó, dự báo mức tăng trưởng phụ tải hàng năm của ngành điện là 10 - 11%, tức là mỗi năm cần có thêm 4.000 - 5.000 MW công suất, khiến ngành điện phải đau đầu giải bài toán tìm nguồn điện mới.
"Nhu cầu năng lượng phát triển rất nhanh, bình quân 9,5% một năm, buộc chúng ta phải phát triển thêm các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...) bên cạnh các nguồn truyền thống như thuỷ điện, nhiệt điện...", Thứ trưởng Vượng chia sẻ.

Cả nước hiện có 12 dự án nhiệt điện than và dự kiến tăng lên 50 nhà máy trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngành năng lượng quốc gia lại đang vấp phải bài toán khó, khi các nguồn thuỷ điện đã cơ bản khai thác hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đến giới hạn, còn năng lượng tái tạo có tiềm năng song các chuyên gia nhận định, khó có thể thay thế nguồn năng lượng hiện hữu trong tương lai gần và cần có lộ trình.
Nêu ra 3 lý do năng lượng tái tạo chưa thể phát triển thay thế các nguồn truyền thống trong 10-20 năm tới, Giáo sư Trần Đình Long cho hay, thứ nhất, suất đầu tư cao (nhất là điện gió); chính sách giá mua điện chưa đủ hấp dẫn khi các nhà đầu tư ngoài ngành điện chỉ ưu tiên lợi nhuận. Thứ hai, hiệu suất khai thác thấp so với các nguồn điện khác do phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Do đó cần phải đầu tư gấp 3 - 4 lần công suất đặt so với nhiệt điện than. Đồng thời đầu tư cho hệ thống dự phòng nhằm bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt khi điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Tính toán của EVN cũng cho thấy, với cơ cấu nguồn điện sẽ phát triển như kế hoạch hiện nay đã được phê duyệt, sau 3 năm nữa khoản phải trả thêm bù cho phát triển năng lượng tái tạo dự kiến trên 3.700 tỷ đồng và sẽ tăng lên 46.000 tỷ (xấp xỉ 2,3 tỷ USD) vào năm 2030 (tính theo giá điện hiện nay).
“Chính phủ vừa phê duyệt giá mua điện mặt trời là 9,35 cent một kWh. Đây là quyết định khá quan trọng, nhưng mức độ ấy đã đủ khích lệ nhà đầu tư hay chưa còn phải chờ một thời gian nữa. Vì vậy, dù muốn hay không, nhiệt điện than vẫn là lựa chọn mang tính khả thi, nếu không muốn nói là bắt buộc”, Giáo sư Trần Đình Long chia sẻ thêm.
Đồng tình, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam - Trần Đình Thiên phân tích, dư luận đang lo ngại về nhiệt điện than nhưng với bối cảnh nền kinh tế hiện nay, phát triển nhiệt điện than là bắt buộc.
"Ở đây không phải điện than có làm hay không mà là công nghệ nào, cơ chế nào, lợi ích nào để đưa công nghệ vào ứng dụng? Làm được điều này, phải có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ hiện đại, ít phát thải bằng chính sách giá điện đủ hấp dẫn", ông Thiên quả quyết.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030 tổng công suất điện than sẽ đạt khoảng 55.300 MW, sản xuất 304 tỷ kWh, chiếm hơn một nửa sản lượng điện toàn quốc và tiêu thụ 129 triệu tấn than mỗi năm. Đến thời điểm đó, Việt Nam sẽ nhập khoảng 85 triệu tấn than mỗi năm cho sản xuất điện.
Hiện Việt Nam đã có 12 nhà máy nhiệt điện than, con số này sẽ tăng lên 50 trong những năm tới và tập trung chủ yếu ở trung tâm hoặc sát khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệt điện than với suất đầu tư khoảng 1.500 USD một kWh, khả năng vận hành 7.500 giờ mọt năm với giá thành chỉ cao hơn thủy điện, hiện vẫn là nguồn sản xuất điện năng chủ yếu của thế giới.
Thống kê năm 2014 cho thấy, các nước có tỷ lệ nhiệt điện than lớn là Trung Quốc (79%), Australia (68,6%), Ấn Độ (67,9%). Ngay Hàn Quốc, dù than phải nhập khẩu là chính và có đóng góp của điện hạt nhân cao (29,8%), nhưng nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (43%). Tại Mỹ, nhiệt điện than chiếm 43,3%; tại Đức, tỷ lệ này là 45,1%.
Trước quan điểm lo lắng nhiệt điện than với lượng phát thải lớn, sẽ gây tác hại cho môi trường, Phó tổng giám đốc EVN - Nguyễn Tài Anh cho rằng, điều này sẽ được giảm thiểu nếu áp dụng công nghệ hiện đại. Hiện ác nhà máy nhiệt điện than thuộc tập đoàn này đều đã được xây dựng phương án xử lý khí thải, nước thải và chất thải rắn đúng theo quy định.
"Các dự án mới đưa vào vận hành và đang triển khai xây dựng sẽ được trang bị các hệ thống xử lý, bảo vệ môi trường đáp ứng các quy định hiện hành. Riêng các nhà máy nhiệt điện than cũ, EVN đã tiến hành rà soát, lập phương án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý khí thải, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2019", vị này thông tin thêm.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng trấn an, một bộ tiêu chuẩn về xử lý tro xỉ thải đã được Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng bàn thảo, sẽ cho ra mắt vào năm sau và khi đó sẽ có hướng xử lý dứt điểm với loại chất thải này.
“Tro xỉ là nguồn vật liệu xây dựng, chứ không phải chất thải nguy hại. Đây là nguồn nguyên liệu tốt có thể vận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng”, ông Vượng khẳng định và nói thêm, đã tới lúc “nhúng” phát triển năng lượng vào phát triển kinh tế chung để có chiến lược phát triển phù hợp.
Có nhiều công trình áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến là điều mong muốn của bất cứ nước nào, song các nước cũng phải đưa ra bài toán lựa chọn phù hợp để vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng với chi phí hợp lý, lẫn các quy định nghiêm ngặt về phát thải.
Tại Việt Nam, giá bán lẻ điện hiện chưa vận hành đầy đủ theo cơ chế thị trường cạnh tranh hoàn hảo và đã đứng im trong 2 năm qua. Bên cạnh đó, giá mua điện của các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió đang cao hơn hẳn so với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay, khiến thách thức về thu hút đầu tư để có thêm 4.000 - 5.000 MW một năm nhằm đáp ứng mục tiêu cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, đang ngày càng căng thẳng hơn.
"Không có gì tốt hơn bằng tín hiệu giá năng lượng. Khi có giá tốt hơn, phản ánh đúng chi phí thì phát triển ngành năng lượng cũng sẽ tốt hơn”, ông Vượng nói.