Tại phiên thảo luận dự án Luật Nhà ở sửa đổi hôm 19/6, đại biểu Nguyễn Văn Hiển và Nguyễn Lâm Thành cho rằng người lao động có quyền thuê nhà ở xã hội thay vì mua như hiện nay. Mở rộng dự án cho thuê nhà xã hội giúp người thu nhập thấp giảm gánh nặng tài chính, tăng cơ hội có chỗ ở.
Trả lời VnExpress bên lề kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình quan điểm trên, cho rằng thị trường nhà ở tại Việt Nam đang thiếu hẳn phân khúc nhà xã hội cho thuê và thuê mua. Nhu cầu với loại nhà này khá lớn và cũng phù hợp với mức sống và thu nhập của hầu hết người lao động hiện nay.
"Nhà xã hội cũng cần có những phân khúc khác nhau. Nếu họ đủ tiền thì mua luôn, còn không thì thuê, trường hợp nằm ở giữa có thể thuê mua", ông Thanh nói, cho rằng cần linh hoạt để giúp nhiều người nhất tiếp cận nhà xã hội.
Ông lấy ví dụ ở các nước phương Tây, hình thức thuê mua nhà xã hội được thực hiện tương đối hiệu quả. Hầu hết sinh viên, người bắt đầu đi làm không đủ tiền mua nhà nên vừa làm, vừa trả góp trong vài chục năm.
Để thu hút doanh nghiệp thực hiện dự án nhà xã hội cho thuê, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cần đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách ưu đãi và công tác quy hoạch. Địa phương phải xác định rõ khu vực nào cho nhà ở trung - cao cấp, khu vực nào dành cho nhà ở xã hội. Thủ tục của các dự án cũng phải rút gọn, không để tình trạng "dự án mất đến vài năm để làm thủ tục".
Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề xuất ở mỗi dự án nhà ở xã hội cần cơ chế dành ra khoảng 20% quỹ đất phục vụ mục đích thương mại, bù đắp lợi nhuận cho nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn. "Qua nắm bắt, nhiều doanh nghiệp cũng rất mong có cơ chế này. Phần lợi nhuận thu được có thể giúp họ giảm chi phí, giá bán và người dân dễ tiếp cận nhà ở xã hội hơn", ông Thanh nêu quan điểm.
Cũng cho rằng "phân khúc thị trường nhà ở đang rất mất cân đối", ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, so sánh 10 năm qua giá nhà xã hội tăng 10-20 triệu đồng/m2 trong khi thu nhập của người lao động gần như đứng yên, tức nhà xã hội ngày càng xa tầm với người thu nhập thấp. Bất cập không hẳn do chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn mà là việc phát triển nhà ở xã hội theo hình thức bao cấp không còn phù hợp.
"Nhà xã hội hiện được bao cấp từ chính sách tín dụng, thuế, giao đất miễn tiền sử dụng đất. Chính sách này có thể kéo giá nhà xã hội xuống nhưng liệu có phải cách làm bền vững. Nhà nước có thể bao cấp đến khi nào?", ông Giang đặt vấn đề.
Giai đoạn 2013-2016, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ được thực hiện, song chỉ hiệu quả bước đầu và giảm dần. Ông Giang cho rằng đây là minh chứng cho thấy hiệu quả hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách đối với thị trường nhà ở không mang tính dài hạn, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Đồng tình cần thay đổi cách tiếp cận, ông Giang nêu quan điểm sở hữu chỉ nên chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong thị trường nhà ở xã hội, thay vào đó là nhà cho thuê. Để làm được việc này, các chính sách cần đồng bộ với mục tiêu, tạo động lực cho nhà đầu tư và Nhà nước đứng ra làm cầu nối để doanh nghiệp cho thuê.
Về ý kiến lĩnh vực xây nhà xã hội cho thuê không thu hút nhà đầu tư do không thể "mua đứt bán đoạn", thu hồi vốn nhanh, ông Giang cho rằng đây không phải trở ngại lớn. "Tư nhân rất thành công với mô hình chung cư mini, bên cạnh đó nhu cầu đối với loại nhà này rất lớn, không khó để thu hút doanh nghiệp", ông Giang phân tích.
GS Nguyễn Đăng Dung, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng đồng tình cần mở rộng thị trường nhà cho thuê. Giải pháp không chỉ đến từ cơ chế ưu đãi của Nhà nước mà còn từ sự cam kết, trách nhiệm của người sử dụng lao động. "Doanh nghiệp lớn, thậm chí doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam chỉ quan tâm nguồn nhân công giá rẻ. Họ không hoặc rất ít chú trọng đời sống người lao động", ông nói.
Các khu công nghiệp đang có mô hình hoạt động khá hiệu quả là nhà lưu trú cho công nhân thuê hoặc ở nhờ. Ông Dung cho rằng nếu đưa mô hình này ra khỏi khu công nghiệp sẽ gần như là dạng nhà xã hội cho thuê. Vì vậy, cần thay đổi chính sách đối với người sử dụng lao động, yêu cầu họ đảm bảo thêm điều kiện về ăn ở, sinh hoạt đối với người lao động trước khi đầu tư vào Việt Nam.