Những ngày cuối tháng 11, ông Ké (58 tuổi) ở thôn Kon Bông, xã Đăk Rong, huyện K'Bang, mang gùi trên lưng, tay cầm chìa khóa đi tới kho thóc cách nhà khoảng 200 m. Người đàn ông Ba Na chậm rãi bước lên cầu thang, mở khóa, xúc thóc đổ đầy chiếc gùi.
"Hôm nay nhà hết gạo, phải mang thóc đi xay chuẩn bị bữa tối", ông Ké nói và bật mí nhà có hẳn 2 kho thóc, kho lớn hơn ở trên rẫy. Vụ mùa vừa rồi, mảnh vườn 3 sào của gia đình thu được 50 bao (mỗi bao 30-40 kg), dư dả cho cả nhà ăn suốt năm, một phần đem đi bán trang trải cuộc sống.

Kho thóc của người đồng bào Ba Na ở xã Đăk Rong, huyện K'bang. Ảnh: Trần Hoá
Cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, mỗi gia đình người Ba Na có 1-2 kho thóc tùy theo lượng lúa thu hoạch trong một mùa. Kho thiết kế giống nhà sàn, song nhỏ hơn, rộng 5-10 m2, mái lợp tranh, vách làm bằng ván gỗ hoặc tấm liếp nứa đan kín, không để lúa rơi ra ngoài nhưng vẫn giữ được độ thông thoáng. Nhiều kho lợp mái tôn, trụ gỗ được thay thế bằng bêtông.
Giữa chân kho lúa được gắn 4 tấm ván tròn hoặc bôi lớp dầu trơn để chuột, sóc không trèo lên cắn phá lúa. Những kho lúa này được dựng lên cạnh nhà, ngoài đồng, hoặc trên rẫy cách nơi ở vài km. Lúa gặt xong được người dân phơi khô trước khi cho vào dự trữ.
Người Ba Na tin rằng lúa cũng có thần cai quản và thần lúa đã ban cho con người lương thực, sức khỏe. Vì vậy, mỗi năm gia đình ông Ké tổ chức cúng kho lúa 2 lần - trước khi lấy lúa giống ra để gieo trồng vụ mới và khi thu hoạch xong, với mong cầu mùa màng bội thu.

Kho thóc của gia đình ông Ké đầy ắp sau vụ mùa bội thu. Ảnh: Trần Hoá
Hôm lễ tế, ông Ké chọn những hạt gạo thơm ngon nhất nấu cơm cúng thần linh và dùng tiết gà bôi lên góc 4 chân và chốt khóa của kho lúa. Gia chủ cắm 3 ngọn tre tươi trước mỗi kho với ý nghĩa thần lúa sẽ trú ngụ, cai quản kho lúa giúp họ.
Theo ông Tâm, trưởng thôn Kon Bông, xã Đăk Rong, huyện K'bang, 150 hộ ở thôn, nhà nào cũng có kho thóc, người ít một cái, nhiều lúa hai cái. "Nhìn vào số lượng kho thóc nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, người ta còn đoán được sự khá giả của gia đình đó", ông Tâm nói.
Với trưởng thôn Kon Bông, kho lúa có ý nghĩa bảo vệ thành quả, công sức cả năm nông dân vất vả kiếm được, ngăn không cho chuột và các loại động vật khác phá hoại.
"Gần đây nhiều kho thóc bị trộm, nên các gia đình phải dùng khoá cửa", ông Tâm nói và cho biết, ngày xưa luật làng quy định nếu phát hiện ai trộm thóc sẽ bị phạt heo, gà nên thóc không bao giờ bị trộm.

Kho lúa được dựng lên giữa đồng, cách nhà cả trăm mét, thậm chí vài km. Ảnh: Trần Hoá
Cũng làm kho dự trữ lúa tương tự nhiều dân tộc ở Tây Nguyên, song đồng bào Jarai có quan niệm, lương thực do thần linh (Yàng) ban tặng nên người và thóc không được ở cùng nhau.
Quan niệm của người Jarai, con người có nhà để ở thì thóc cũng phải có kho. Nếu kho chứa không đàng hoàng, Yàng sẽ giận, không ban cho mùa màng bội thu. Lúa đến kỳ thu hoạch bị chim, sâu, sóc trên rừng ăn mất, dân làng sẽ đói kém.
Tháng 11 hàng năm, người Jarai thường tổ chức lễ cúng mừng lúa mới vào đầu mùa thu hoạch. Nhưng nay, nhiều nơi bà con đã biết làm lúa nước hai vụ nên ngoài lễ cúng lúa mới ở từng gia đình ít nhiều thay đổi về quy mô, thời gian tổ chức và lễ vật có phần giản lược.
Lễ vật gồm bông lúa, rượu, gà, nhà có điều kiện dâng lễ kỹ càng, ai khó khăn có thể giảm bớt. Khi lấy thóc đem đi xay, giã làm gạo, người Jarai phải xin phép Yàng và thần linh bởi thóc là sản vật quý, không ai được hoang phí...
Trần Hoá