Những vướng mắc trên đang ảnh hưởng tới việc thi hành số tiền 2,85 triệu USD của Epco; 11,42 triệu USD và 99,7 tỷ đồng của Minh Phụng; 90.000 USD của Công ty Đất Việt.
13 căn nhà của Trần Đàm và đồng sở hữu là Trần Thị Hảo (vợ Đàm) đến nay vẫn chưa bán được để bồi thường cho bên được thi hành án trong vụ Tân Trường Sanh. Bà Hảo đã làm đơn xin được chuộc tất cả các căn nhà này. Phòng Thi hành án đã có công văn xin ý kiến Cục Thi hành án, nhưng phải chờ đến cuộc họp liên ngành sắp tới để quyết định.
Theo quy định của pháp luật, đương sự có quyền mua lại các tài sản trong diện phải thi hành án. Một số căn nhà của Trần Đàm hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng do không có người ở, không tu sửa chỉnh trang trong nhiều năm liền.
Phòng Thi hành án thành phố chưa thu được một đồng nào trong số 2,5 tỷ phải nộp của UBND quận 3 và 2,7 tỷ đồng của Quận uỷ quận 3. Hai cơ quan này cũng khó có thể bị cưỡng chế, vì họ là cơ quan nhà nước.
Cho đến nay, Phòng Thi hành án thành phố đã giải tỏa kê biên 26 căn nhà và gần 3.400 m2 đất, giao cấn trừ nợ xong 221 căn, gồm văn phòng, nhà ở, kho, nhà xưởng. Phòng đang tiếp tục triển khai công việc với hai quyết định thi hành án chủ động và 23 quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu. Về tiền mặt, cơ quan thi hành án đã thu hơn 102 tỷ đồng trên tổng số 4.405 tỷ đồng và gần 2.000 lượng vàng SIC. Tài sản sung công đã bán gồm 3 lô đất ở Đồng Nai, 33 xe đầu kéo và 60 rơ moóc. 760 triệu đồng tiền án phí đã được thu.
Các tài sản đã bàn giao xong vẫn còn gặp một số vướng mắc, như đất giao nhận trên thực tế còn thiếu so với bản án (bị lấn chiếm hơn 4.000 m2), một số giấy tờ sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm là các tài sản trong vụ án còn chưa thu thập được vì chủ sở hữu hoặc phía ngân hàng còn khiếu nại. Hiện những vấn đề này đang trình Chủ tịch nước xem xét.
(Theo Pháp Luật)