Sáng 12/9, sau khi Bộ Công an thông báo bắt 14 người, thu 13 tấn tiền chất khi khám xét các nhà kho được người Trung Quốc thuê ở các tỉnh thành để chế biến ma túy; xưởng gỗ ở huyện Đăk Hà, Kon Tum (một trong các kho bị khám xét) vẫn còn nhiều thùng nhựa và bình thủy tinh chứa hóa chất đặc quánh, màu trắng, nâu, mùi hôi nồng nặc. Các công nhân đang dọn dẹp, sửa lại mái tôn.
Xưởng chế biến gỗ này của một công ty xuất nhập khẩu, chuyên sản xuất các loại gỗ mỹ nghệ, gỗ ép. Kho rộng hơn 2.000 m2, được xây theo chữ L, xung quanh quây kín bằng tôn. Tường cao 2 m, có một cửa chính và một cửa phụ.
Bà Trần Thị Viên, 42 tuổi, chủ doanh nghiệp cho biết, đầu năm nay, trong chuyến làm ăn ở Lào, vợ chồng bà có quen một phiên dịch viên cho các công ty nước ngoài, và nhờ người này giới thiệu làm ăn với đối tác Trung Quốc, lĩnh vực xuất khẩu gỗ.
Vài tháng sau, nhóm người qua Việt Nam gặp công ty đặt vấn đề hợp tác làm ăn. Họ muốn lập phòng thí nghiệm tại xưởng gỗ để pha chế hóa chất sấy, ép. Nhóm người nói rằng đây là vùng có nguyên liệu dồi dào nên phải mở cơ sở chế tác ván ép, phân hữu cơ. "Để bán được hàng công ty buộc phải cho họ mượn kho và làm theo những đề nghị", chủ xưởng nói.
Đối tác yêu cầu công ty Việt Nam vây kín một phần xưởng (rộng hơn 50 m2) để họ đặt máy móc, lập phòng thí nghiệm và làm thủ tục bảo lãnh với công an cho những người làm việc tại xưởng.
Ngoài ra, công ty phải làm mương thoát xung quanh xưởng, hầm chứa để hóa chất tẩy rửa không ra môi trường. Toàn bộ chi phí khoảng 200 triệu đồng, đối tác Trung Quốc hứa sẽ thanh toán khi máy móc, phòng thí nghiệm lắp đặt xong.
"Được 10 ngày thì công an ập vào bắt", chủ doanh nghiệp nói. Đầu tháng 8, cảnh sát đã thu giữ 52 thùng phuy loại 250 lít cùng hóa chất và dây chuyền sản xuất ma túy đá khi ập vào kho này.
7 người Trung Quốc bị bắt là nam giới, khoảng 40 - 50 tuổi, trong đó có bốn người đã đăng ký tạm trú với công an địa phương. Lúc khám xét, ba người đang làm việc, bốn người đang ngủ.
Một người dân cho biết được công an mời vào chứng kiến và ký 160 biên bản. Ông này nói, các ôtô tải lớn biển số TP HCM chở vật dụng về xưởng này một tháng nay, nhưng hoạt động kín đáo, tường cao, cửa kín, nên người dân không biết họ làm gì. Chỉ một phụ nữ người địa phương được thuê nấu ăn, quét dọn. Thi thoảng có người ra ngoài chơi cờ với người dân trong khu làng nghề.
Ông Ngô Tấn Khoa, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đăk Hà, cho biết khu đất làm nhà xưởng được công ty Việt Nam thuê từ 2016. Sau đó nguồn gỗ cạn kiệt, họ dừng hoạt động. "Việc công ty này cho người Trung Quốc mượn làm gì địa phương không nắm được", ông Khoa nói.
Đại tá Nguyễn Công Văn, Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum cho rằng, việc bắt giữ nhóm người sản xuất ma túy tại Đăk Hà là do Bộ Công an chủ trì nên chưa thể cung cấp thêm thông tin.
Cũng trong tháng 8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - CO4 khám xét hai kho chứa hóa chất dùng điều chế ma túy ở phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn, Bình Định), thu gần 290 thùng và trên 300 bao hóa chất, bắt giữ 6 người (trong đó có 4 người Trung Quốc).
Sau đó, theo đề nghị của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 95 triệu đồng đối với bốn người Trung Quốc (nam giới, 30 -51 tuổi) về hành vi Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền và Nhập cảnh hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Người dân phường Bùi Thị Xuân cho biết, những người Trung Quốc thuê một căn nhà trong dân cư, và thuê hai kho phía núi, dưới vỏ bọc doanh nghiệp sản xuất đá granite. Trong khi đó, lãnh đạo TP Quy Nhơn nói mới được biết tin và chưa nắm rõ chủ sở hữu của xưởng.
Đại tá Vũ Văn Hậu (Cục phó CO4) cho biết các nghi phạm khai đang trong quá trình điều chế, vài ngày nữa sẽ cho ra ma túy đá thành phẩm. Với 13 tấn tiền chất, nhóm này có thể "xuất xưởng" cả tấn ma tuý đá.
Theo đại tá Hậu, với chứng cứ và tang vật bị phát hiện, nhóm nghi phạm có thể bị phạt ở mức cao nhất về hành vi Tàng trữ và sản xuất trái phép chất ma tuý.
Trần Hóa - Phạm Linh