"An toàn dựa trên tiêu chí nào chứ? Chúng ta có ai biết thực ra nồng độ chất độc trong không khí là bao nhiêu, phạm vi phát tán thế nào, hay thậm chí tên gọi của các chất độc đó là gì đâu?", tôi hỏi lại. Bạn thở dài, và tiếp tục cho con đi học. Cũng như hàng vạn người dân phường Hạ Đình, Hà Nội, anh không có nhiều lựa chọn.
Mùa hè năm 2016 xảy ra cơn bão chấn động dư luận về việc công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng vùng biển trải dài bốn tỉnh duyên hải: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Tháng tám năm ấy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng thực hiện một cuộc tắm biển ở bãi Cửa Việt.
Cuộc tắm ngắn, nhưng hình ảnh dàn lãnh đạo thân chinh tắm biển, ăn hải sản để chứng minh biển đã hết độc, nói không ngoa, đã gây ấn tượng và trấn an được phần nào dư luận. Phần sau đó, chúng ta đã biết. Formosa xin lỗi và đền bù.
Sau một năm "cấm biển", những chuyến ra khơi của ngư dân miền Trung trúng khẳm tôm cá. Mọi thứ lại trở về nhịp độ thường nhật. Nhưng cuộc tắm biển do bộ trưởng khởi xướng được nhiều người cho rằng là một trong những chuyến "vi hành" ấn tượng nhất trong cả thập kỷ qua của giới chức Việt Nam.
Đúng ba năm sau, tháng 8/2019, kho chứa sản phẩm của nhà máy Rạng Đông cháy ngùn ngụt giữa Thủ đô Hà Nội. Trong 24 giờ đầu tiên, tất cả ứng phó với vụ cháy như một tai nạn thông thường. Nhưng vào ngày tiếp theo, khi hiện tượng bất thường xảy đến với hầu hết những người có mặt cứu hỏa lẫn dân cư quanh đó thì vụ cháy mới được ý thức ở tầm thảm họa môi trường.
Những gì diễn ra sau đó mới là điều hết sức khó hiểu. Đầu tiên, UBND phường Hạ Đình khuyến nghị người dân không tiêu thụ các loại rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn... trong bán kính một km kể từ tâm đám cháy trong 21 ngày. Điều này làm dấy lên lo ngại về thủy ngân trong bóng đèn bị phát tán ra không khí trong vụ cháy.
Nhưng ngay sau đó, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã có văn bản báo cáo UBND quận Thanh Xuân. Họ cho biết, đã nghiên cứu, sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016.
Kể từ đây, thông tin liên tục tung ra từ nhiều bên, mâu thuẫn với nhau, và dập xóa như một trò đùa. Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân đều báo cáo Rạng Đông không sử dụng thủy ngân. Thế nhưng trong ba ngày đầu tiên Hà Nội khám miễn phí cho hơn 1.000 người dân sống tại các khu vực cháy, có tới khoảng 300 người được chuyển cơ sở y tế tuyến trên để đánh giá lại sức khỏe, và đã có hàng chục người được chỉ định nhập viện điều trị.
Ngày 4/9, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân công bố: Một số mẫu không khí tại phạm vi 200 m từ tường rào nhà kho Rạng Đông có hàm lượng thuỷ ngân cao gấp 10-30 lần mức khuyến cáo của WHO, không an toàn với sức khoẻ.
Ngày 5/9, trang mạng của Tổng cục Môi trường và Bộ Tài nguyên Môi trường đăng thông báo kết quả quan trắc với nội dung tương tự. Ngày 8/9, thông báo này bị sửa, mức chênh lệch so với WHO giảm xuống còn 1,52 lần. Đồng thời lật tẩy, "... qua đấu tranh, Rạng Đông thừa nhận sử dụng thuỷ ngân lỏng có độc tính cao hơn viên amalgam trong 480.000 bóng đèn huỳnh quang".
Ngày 10/9, kết quả quan trắc ô nhiễm khu vực vụ cháy Rạng Đông lúc ẩn lúc hiện trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường, và khi xuất hiện trở lại thì đã được chỉnh sửa. Cuộc họp báo được trông đợi về vụ Rạng Đông dự kiến tổ chức chiều 10/9 cũng bị huỷ không rõ lý do.
Mức độ thủy ngân phát tán trong không khí Hà Nội sau vụ cháy Rạng Đông thực sự độc hại đến đâu? Khi câu hỏi này đặt ra, người ta thấy tình cờ làm sao, chúng giống hệt sự hoang mang ba năm trước, khi người ta đứng nhìn làn nước biển xanh ở miền Trung, nhìn những con cá con tôm tươi rói mới chuyển lên bờ, và tự hỏi "an toàn không?". Nhưng lần này thì Bộ trưởng không mang thân mình ra làm phép thử nữa. Ông thậm chí không thị sát khu vực cháy nhà máy Rạng Đông một lần nào.
Tôi cố gắng tìm xem lần gần nhất Bộ trưởng Trần Hồng Hà đi thị sát một điểm nóng về môi trường là bao giờ. Có vẻ Bộ trưởng rất quan tâm đến vấn đề xử lý rác thải. Từ đầu năm đến nay, hết thấy ông thăm nhà máy xử lý rác ở Quảng Bình, rồi lại đến nhà máy xử lý rác ở Hưng Yên, rồi Bình Dương. Rác thải là vấn đề lớn của môi trường, của xã hội hiện đại. Hẳn rồi, nơi nơi đang rộ lên làn sóng giảm trừ rác thải nhựa, người người nói không với ống hút.
Nhưng nếu Bộ trưởng đã đến thị sát hiện trường vụ cháy nhà máy Rạng Đông ngay từ đầu, hoặc một tuần sau đó cũng được, thì điều gì sẽ xảy ra? Rất có thể, những cuộc kiểm tra, đo đạc đánh giá tác động môi trường sẽ chính xác hơn, nhất quán hơn, cũng tức là đỡ rối loạn hơn.
Điều này rất con người thôi - ông sẽ thấy tận mắt, nghe tận tai sự lo lắng của người dân, như một đề thi đã từng yêu cầu thí sinh viết với sự "thấu cảm". Rất có thể, những con số mới bớt toan tính thiệt hơn, những mệnh lệnh chỉ đạo mới không đơn thuần hành chính quan liêu.
Ngày 12/9, Bộ trưởng khẳng định rằng "Môi trường ngoài kho Rạng Đông đã an toàn". Đây có thể xem là lời cuối của cơ quan chức năng về vụ việc. Nhưng hai tuần sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, cuộc sống của cư dân Hạ Đình và khu vực lân cận vẫn chưa trở về nhịp độ bình thường. Kết quả khám sức khỏe của nhiều người vẫn chưa được các bệnh viện ở Hà Nội hồi đáp. Cơ quan chúng tôi cử hai phóng viên đi tác nghiệp từ những giờ đầu tiên, cả hai đều có triệu chứng ngộ độc. Và kết quả xét nghiệm của họ đến giờ cũng vẫn chưa nhận được.
Nếu như toàn bộ "quy trình" thị sát, điều tra và khám nghiệm vụ cháy kinh hoàng này là đúng đắn. Nếu như mọi chuyện nó phải diễn ra như thế, với tất cả những nhiễu loạn thông tin, thì có lẽ chúng ta chỉ còn biết cảm ơn Bộ trưởng vì đã đã đưa ra kết luận cuối cùng. Kho Rạng Đông an toàn. Người dân hoang mang, làm kinh tế thiệt hại, trẻ con bỏ học người lớn bỏ làm, là lỗi của chúng ta.
Gia Hiền