Hơn một năm mắc bệnh ung thư máu giai đoạn 4, nhiều lần phải xạ trị, ông Nguyễn Văn Hoành, 59 tuổi, trú xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (TP HCM) sụt 20 kg, răng rụng, nói năng, đi lại khó khăn... Bốn tháng sau khi phát hiện bệnh, ông phải xin nghỉ dạy học do sức khỏe không đảm bảo.
Bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh của ông cần thay tủy với chi phí gần 500 triệu đồng. "Số tiền quá lớn, nằm ngoài khả năng gia đình tôi", ông Hoành nói. Khi hay tin mình lâm bệnh, xác định thời gian sống không còn nhiều để nhận lương hưu, ông Hoành muốn làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần để có thêm chi phí chữa trị. Sau 38 năm đóng bảo hiểm xã hội với mức lương hiện 10 triệu đồng mỗi tháng, nếu được duyệt ông sẽ nhận khoảng 500 triệu đồng.
Tuy nhiên khi làm thủ tục, cơ quan bảo hiểm cho hay hồ sơ của ông không hợp lệ vì còn thiếu giấy xác nhận "tình trạng không tự phục vụ được" của bệnh viện. Thầy giáo tiểu học tới nhiều bệnh viện nhưng không nơi nào chịu cấp bởi "ông vẫn tự phục vụ được". Ông bổ sung bằng biên bản giám định y khoa với tỷ lệ tổn thương cơ thể hơn 90% vẫn không được phía bảo hiểm đồng ý.
"Người bị ung thư như tôi không biết sống chết lúc nào. Hồ sơ đủ hết nhưng cơ quan bảo hiểm yêu cầu phải có giấy xác nhận tình trạng không tự phục vụ được mới giải quyết", ông Hoành nói và cho hay vì hoàn cảnh bức bách nên trước Tết vừa rồi, ông làm đơn xin cứu xét gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam, song đến nay chưa được hồi đáp.
Cùng hoàn cảnh như thầy giáo Hoành, bà Nguyễn Chi Hồng, 48 tuổi, ngụ quận 3, mắc ung thư vú, muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần nhưng bị từ chối với lý do tương tự. Hơn 7 năm chữa chứng bệnh nan y, gia cảnh bà Hồng gần như kiệt quệ. Năm ngoái, sức khỏe suy giảm nhanh nên bà nghỉ việc. Cùng lúc đó, chồng bà mắc ung thư máu giai đoạn 3. Chi phí điều trị cho hai vợ chồng đã hơn 700 triệu đồng.
"Tôi muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần vì không còn chỗ nào để bấu víu", bà Hồng nói. Hiện, vợ chồng bà phải nuôi 3 con nhỏ còn đi học, 2 mẹ già trên 80 tuổi. Gần 10 năm đóng bảo hiểm xã hội với mức lương mỗi tháng gần 30 triệu đồng, nếu được giải quyết bà sẽ nhận khoảng 300 triệu đồng, phần nào bù đắp chi phí chữa trị suốt thời gian qua.
"Chắc chỉ sắp chết mới không tự phục vụ được, đến lúc đó tiền còn ý nghĩa gì nữa", bà Hồng nói và cho biết phía Bảo hiểm xã hội TP HCM xác nhận bệnh của bà nguy hiểm tính mạng, đủ điều kiện giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Nhưng hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Ung Bướu chưa thể hiện "tình trạng bà không tự phục vụ được" nên không đủ cơ sở giải quyết.
Ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM cho hay, theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động đóng bảo hiểm xã hội nếu mắc ung thư (thuộc nhóm bệnh nguy hiểm tính mạng) khi nghỉ việc sẽ được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, Thông tư 56/2017 hướng dẫn của Bộ Y tế lại yêu cầu người bệnh phải có xác nhận "không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân..." do bệnh viện cấp.
Vì vướng mắc như trên nên thời gian gần đây Bảo hiểm xã hội TP HCM nhận hơn 10 trường hợp cứu xét. Cơ quan bảo hiểm xã hội dưới quận huyện cũng nhận được nhiều hồ sơ tương tự. Có trường hợp người nhà quá bức xúc đòi khiêng người bệnh đến cơ quan bảo hiểm để hỏi rõ "thế nào là không tự phục vụ được".
"Người bệnh cho rằng chúng tôi vô cảm mới đưa ra yêu cầu vô lý như vậy", ông Hà nói và cho biết quy định của Bộ Y tế khiến người bệnh thiệt thòi, gây khó cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ cho người lao động.
Bác sỹ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho hay bệnh viện không thể xác nhận cho tất cả người mắc ung thư "tình trạng không tự phục vụ được" vì còn tùy thuộc vào thể trạng, loại ung thư, giai đoạn bệnh... "Nếu cứ mắc ung thư và yêu cầu xác nhận không tự phục vụ được là gây khó bác sĩ", ông Tuấn nói và cho biết việc xác nhận phải theo quy định pháp luật và chịu sự thanh tra của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Ông Trần Dũng Hà kiến nghị Bộ Y tế cần sửa thông tư, bỏ điều kiện cần có xác nhận "không tự phục vụ được" đối với người mắc ung thư để phù hợp tình hình thực tế và Luật Bảo hiểm xã hội. Quan điểm này cũng được một số cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh thành phía Nam nêu lên trong buổi làm việc với Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội diễn ra mới đây ở TP HCM.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, quy định mà thông tư Bộ Y tế đưa ra còn chung chung. Điều này gây khó cho bệnh nhân và đơn vị giải quyết. Bởi một số bệnh ung thư phát hiện sớm có thể chữa trị, song có những chứng ung thư bệnh chuyển biến rất nhanh. Lúc này người bệnh cần được giải quyết chế độ, có kinh phí chữa trị. Thời gian tới, Ủy ban về các vấn đề xã hội sẽ làm việc với Bộ Y tế nhằm tháo gỡ vướng mắc này.
VnExpress đã liên hệ cơ quan tham mưu cho Bộ Y tế xây dựng Thông tư 56 là Vụ Pháp chế và Cục Quản lý khám chữa bệnh, để hỏi thêm thông tin nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội quy định những trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội 20 năm; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh hiểm nghèo, trong đó có ung thư; quân nhân, công an phục viên, xuất ngũ; thôi việc không đủ điều kiện hưởng lương hưu...
Lê Tuyết