Sáng 16/9, hai phiên chuyên đề của Diễn đàn Quốc tế chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021" đã diễn ra với chủ đề là "Hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam" và "Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu số hóa Nông nghiệp Việt Nam". Chương trình có sự tham gia của các đại diện Bộ, ban ngành, các chuyên gia Nông nghiệp cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Phiên chuyên đề 1: "Hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam"
Phiên chuyên đề 1 tập trung làm rõ khái niệm hệ sinh thái chuyển đổi số Nông nghiệp. Mở đầu phiên chuyên đề, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thiết kế chế tạo và thử nghiệm, Cục ứng dụng Khoa học Công nghệ của Bộ Khoa học Công nghệ chia sẻ những nguyên nhân chính tạo ra sự cản trở trong việc chuyển đổi số Nông nghiệp hiện nay, cụ thể đó là tư duy truyền thống, nền tảng công nghệ, tài chính...
Đồng tình với ông Nguyễn Văn Thành, ông Nguyễn Duy Nhân - Giám Đốc Marketing Tập đoàn Thủy sản Việt Úc chia sẻ về những khó khăn của tập đoàn khi chuyển đổi số, và doanh nghiệp cần tư duy như thế nào về vấn đề tài chính.
Ông Duy Nhân chia sẻ trường hợp cụ thể với Tập đoàn Việt Úc. Việt Úc xác định từ đầu chuyển đổi số là xu hướng, sự dịch chuyển mà không có sự lựa chọn khác, đó là điều phải xảy ra. Cũng theo ông Nhân, vấn đề ở đây không phải là đầu tư nguồn vốn, mà là tư duy "đường đi khó không phải vì ngăn sống cách núi mà khó vì lòng người cách núi ngăn sông". "Với Việt Úc, chúng tôi xem khoản tiền đổ vào chuyển đổi số không phải là chi phí mà là khoản đầu tư liên tục, dài hạn", ông Nhân nói.
Vị Giám Đốc Marketing này cũng khẳng định, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể tham gia chuyển đổi số và ví von xu hướng dịch chuyển số cũng như sự chuyển đổi từ xe máy sang xe hơi, tuỳ khả năng từng doanh nghiệp để chọn chiếc xe hơi phù hợp từ phổ thông đến cao cấp.
Tiếp nối ông Duy Nhân, các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những chia sẻ hữu ích về chuyển đổi số Nông nghiệp. Đơn cử, ông Tan Siang Hee - Giám đốc Điều hành CropLife châu Á chia sẻ kinh nghiệm về phổ cập kiến thức cũng như cập nhật những công nghệ căn bản hỗ trợ cho người nông dân trong thời đại 4.0. Ông Kohei Sakata - Tập đoàn Bayer bàn về những khó khăn và lợi thế khi tham gia vào quá trình tiếp cận với công nghệ mới hiện đại? Định hướng của Bayer trong tương lai để thúc đẩy quá trình áp dụng công nghệ cao vào Nông nghiệp có thể triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, ông Kohei Sakata đã có những chia sẻ thực tế về việc thiết bị không người lái có vai trò như thế nào trong quá trình đưa công nghệ cao vào Nông nghiệp.
Về phía Việt Nam, thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số ở các địa phương đang gặp một số khó khăn, trong đó có công tác tiếp cận thông tin về các khía cạnh như công nghệ, mô hình, nguồn vốn. Ông Nguyễn Khắc Lịch - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Lạng Sơn đã chia sẻ kinh nghiệm cách địa phương này giải quyết cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận thông tin chuyển đổi số.
Ông Lịch chỉ ra, thông thường khi chuyển đổi số nông nghiệp, mọi người thường quan tâm đến những khó khăn về công nghệ, mô hình nguồn vốn nhưng theo ông Lịch, đấy có thể chưa phải khó khăn nhất.
Là tỉnh miền núi biên giới xa cách, nông nghiệp nhỏ lẻ, Lạng Sơn phát triển kinh tế số bằng cách tập trung giúp các hộ nông dân phát triển các tài khoản số trên các sàn thương mại điện tử, vì hộ nông dân là tổ chức nhỏ nhất lại có thể đóng kín toàn bộ quy trình mua bán trên cửa hàng số. Hiện tỉnh có những thành công nhất định.
Để minh hoạ, ông Lịch chia sẻ một số kết quả trong hai tháng Lạng Sơn tập trung phát triển kinh tế số cho 5 huyện, thời gian 20/7-20/9. Cụ thể, các huyện từ 1.000 cửa hàng số lên 30.000 cửa hàng số, doanh thu tăng hơn 130 lần, đưa lên được gần 4.000 mặt hàng. Để có được thành công này, Lạng Sơn đã xây dựng hơn 3.000 nhóm để triển khai công nghệ, mỗi nhóm gồm một trưởng thôn, bản và hai nhân lực trong thôn bản đó để triển khai.
Theo ông Lịch, đến thời điểm hiện tại, khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số là thay đổi hành vi, sách sống và cách làm việc cuả người nông dân - Họ phải chuyển từ ruộng lên không gian số - thực sự rất khó. Khó khăn thứ hai là nhận thức chuyển đổi số của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương.
"Cách lạng sơn giải truyết là chọn người đảm bảo quyết định nhất cho thành công, đó là người đứng đầu các cấp. Còn yếu tố nào là quan trọng nhất thì đó chính là nông dân, phải sống với nông dân", ông Lịch nhấn mạnh.
Vai trò của các bên trong phát triển hệ sinh thái nông nghiệp
Ở phần giải pháp, ông Nguyễn Văn Thành cho biết, nhà nước đã có những chính sách quản lý, hỗ trợ tạo điều kiện cho chuyển đổi số Nông nghiệp tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là về các giải pháp Công nghệ. Đơn cử, quyết sách từ 2010 phê duyệt chương trình phát triển công nghệ cao đến 2020. Năm 2012 có phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Năm 2015 quy hoạch tổng thể vùng ứng dụng công nghệ cao đến 2030. Gần đây là cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thông, hay quy định chuyển đổi số quốc gia đến 2025 định hướng đến 2030...
Về phía doanh nghiệp, ông Tan Siang Hee và ông Nguyễn Duy Nhân cũng đề ra những kế hoạch nhằm đưa doanh nghiệp hòa nhập vào xu hướng chuyển đổi số hiệu quả nhất.
Vấn đề về nguồn tài chính của doanh nghiệp cũng là một vấn đề cần tìm kiếm và chuẩn bị để triển khai thành công quá trình số hóa, tiến tới việc hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số Nông nghiệp. Về khía cạnh này, ông Kohei Sakata - Giám đốc Bộ phận Nông nghiệp Kỹ thuật số khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn Bayer đưa ra những đề xuất doanh nghiệp cần bắt đầu như thế nào và có cần những bước đi táo bạo nào để vượt qua được những rào cản cố hữu.
Phiên chuyên đề 2: "Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu số hóa nông nghiệp Việt Nam"
Chuyên đề hai đi sâu vào thảo luận vấn đề khía cạnh nhân lực trong chuyển đổi số ngành Nông nghiệp. Từ đó, chúng ta sẽ có góc nhìn tổng quan, dưới góc độ của cả người làm chính sách, của doanh nghiệp và của các nhà đầu tư để tìm được những hướng đi cho bài toán về phát triển nguồn nhân lực phù hợp với từng doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu số hóa nông nghiệp Việt Nam.
Ở phần này, Phó giáo sư, Tiến sĩ x Nguyễn Việt Long - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ về thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn hiện nay - Thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao, thiếu hạ tầng giáo dục hiện đại phù hợp với tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ của ngành nông nghiệp. Từ thực tế trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội số Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về việc các doanh nghiệp Việt nam đã và đang thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực như thế nào.
Cuối phiên chuyên đề, Tiến sĩ Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam đưa ra 9 yếu tố đánh giá chất lượng thị trường lao động, đó là thiếu cam kết, thiếu hiểu biết; các quy định, quy tắc; khó khăn trong việc tích hợp công nghệ thông tin, thay đổi tập quán kinh doanh, thiếu thông tin, cập nhật về công nghệ số... Bên cạnh đó, Tiến sĩ đưa ra những khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để phát triển chất lượng nguồn nhân lực hiện tại và để đạt được một nền Nông nghiệp số hoàn hảo như mong muốn thì nguồn nhân lực cần chất lượng như thế nào.
Diễn đàn Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam do Bộ Ngoại giao phối hợp với VnExpress và Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức trên nền tảng VnExpress.
Diễn đàn là nơi diễn ra các hoạt động đối thoại chính sách công - tư giữa Chính phủ, khu vực tư nhân cùng các bên liên quan, nhằm thảo luận những vấn đề then chốt, chiến lược cho nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới; qua đó gợi mở những nghiên cứu và đề xuất giải pháp đột phá để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của nông nghiệp Việt Nam, tiếp cận thành công các thị trường tiềm năng. Độc giả theo dõi đầy đủ phiên chuyên đề tại đây
Nguyễn Phượng