Vịt thả đồng. Ảnh: V. Hòa |
Cái khó đầu tiên là hiện cơ quan chuyên môn vẫn chưa tìm ra cơ chế lây truyền virus từ thủy cầm sang người và từ thủy cầm sang các gia cầm khác. Trong khi vịt khi lấy mẫu huyết thanh cho kết quả dương tính với H5, song vẫn sống khỏe mạnh. "Điều này gây tâm lý chủ quan cho những người chăn nuôi. Họ cho rằng cán bộ thú y quá lo xa khi yêu cầu hạn chế sự di chuyển của ngan vịt", ông Nguyễn Huy Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hà Tây, nói.
Là tỉnh chiêm trũng nên số hộ nuôi ngan vịt ở Hà Tây rất lớn. Hiện toàn tỉnh có 2,3 triệu thủy cầm, tập trung tại Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín. Tại những huyện này đều có cán bộ thú y giám sát việc phun thuốc phòng dịch. Cách đây 1 tháng, chi cục đã lấy 50 mẫu huyết thanh của vịt, ngan gửi đi xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Tuần tới sẽ lấy 200 mẫu trên đàn vịt. Điều ông Đăng lo nhất là với số thủy cầm lớn, cộng thêm hơn 7 triệu con gà, lực lượng thú y không thể kiểm soát được việc phòng dịch của những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Những hộ này có thói quen nuôi gà vịt chung chuồng, trong khi theo khuyến cáo của Viện Thú y thì nguy cơ tái phát dịch ở hộ nuôi chung gà, vịt, lợn chuồng cao gấp 3,6 lần so với hộ nuôi riêng lẻ.
Cái khó thứ hai theo các lãnh đạo chi cục thú y là thủy cầm chỉ phát triển nhanh trong môi trường nước và từ xưa tới nay người dân vẫn nuôi vịt đàn thả từ cánh đồng này sang cánh đồng khác cho chúng ăn thóc lúa rơi rụng. Bây giờ yêu cầu bà con thay đổi tập tục đã có từ ngàn đời là việc không đơn giản, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi đồng nước mênh mông. Ông Mai Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre, phân trần: "Chúng tôi đã khuyến cáo bà con nuôi nhốt ngan vịt. Nhưng họ chỉ chấp hành tương đối thôi vì mình có hỗ trợ gì đâu, trong khi nuôi nhốt vịt kém phát triển".
Ông Hiệp cho hay, toàn tỉnh Bến Tre hiện có 1 triệu con vịt đàn, tập trung ở hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm. Cán bộ thú y thường xuyên yêu cầu chủ đàn vệ sinh chuồng trại, phun thuốc diệt trùng. "Nhưng còn ban ngày đàn vịt đi những đâu, thải phân ở đâu thì cán bộ thú y làm sao biết mà phòng dịch. Đúng là vô phương", ông Hiệp nói. Tuy nhiên, để kiểm soát dịch tễ học trên đàn vịt, vừa qua với sự hỗ trợ của Trung tâm y tế vùng TP HCM, chi cục đã lấy tại Giồng Trôm và Ba Tri mỗi huyện 100 mẫu xét nghiệm trên đàn vịt gồm: dịch nhầy, máu, phân (mỗi mẫu lấy 3 lần, cách nhau 1 tuần) và hiện chưa có kết quả.
Không chỉ Bến Tre mà nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đều đang rất bối rối trước việc hạn chế sự di chuyển của thủy cầm. Ngay cả An Giang, tỉnh vốn được quyền Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khen ngợi hôm 20/10 vì đã áp dụng biện pháp nuôi nhốt thủy cầm, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An giang, vẫn thừa nhận: "Trong thời gian thu hoạch lúa, tỉnh vẫn cho phép bà con thả vịt ra đồng để thu lượm thóc rơi vãi".
Ông Phương cho rằng dù đã áp dụng nhiều biện pháp như vịt nuôi nhốt tập trung phải đăng ký, nếu xét nghiệm huyết thanh cho kết quả dương tính sẽ cho thịt hết, nhưng nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm ở An Giang vẫn rất lớn. Lý do là dù đã đóng cửa "nhà mình", song "nhà hàng xóm" làm không chặt, vịt đàn chạy qua chạy lại có thể mang theo mầm bệnh. Đó là chưa kể hiện nay vẫn đang là mùa lũ, mầm bệnh theo phân vịt từ nơi khác trôi về.
Như Trang