Em đã học cách chấp nhận được mối quan hệ đó. Vì mối quan hệ này mà em đánh mất nhiều cơ hội. Gần đây, anh ấy lại nói với em rằng chúng em chắc không đến được với nhau, chỉ dừng lại mức anh em. Em thật sự buồn và cũng nói rằng "em làm em chịu". Em tự dằn vặt bản thân và vẫn đang dành tình cảm cho người đó rất nhiều. Em không biết phải làm sao, muốn dừng lại nhưng không làm được. (Minh Nhật)
Trả lời:
Em thân mến,
Thông thường khi bắt đầu đến với nhau, câu đầu tiên ta thường tự hỏi “vì sao ta yêu nhau?”. Tất nhiên, chẳng có câu trả lời nào giống nhau cũng như chẳng có tình yêu nào giống nhau. Đọc tâm sự của em, tôi hiểu tình yêu của các em đang rơi vào giai đoạn thoái trào và có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Nhưng ít nhất tôi thấy một điều tích cực ở đây là em đã và đang chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần cho tình huống xấu nhất sẽ xảy ra là hai người đường ai nấy đi. Hy vọng em luôn đủ sáng suốt và mạnh mẽ để lựa chọn cho mình con đường phù hợp.
Có vẻ như tình yêu của em và anh ấy đến với nhau giống như “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, chuyện gì đến sẽ phải đến”: việc gặp nhau một thời gian dài và nhận ra mình có tình cảm với nhau. Nhưng trên thực tế, tình yêu là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: sự thăng hoa cảm xúc của trái tim, của tâm hồn và thể xác. Vì vậy khi yêu nhau, người ta luôn muốn được gần gũi chăm sóc nhau và thể hiện tình cảm với đối phương và muốn làm cho người mình yêu được hạnh phúc. Có những cặp thường xuyên thể hiện tình cảm với nhau qua lời nói hay hành động nhưng cũng có những đôi chỉ âm thầm lặng lẽ quan tâm đến nhau và để cho "nửa kia" tự cảm nhận.
Chuyện anh ấy không ngỏ lời với em cũng là điều bình thường nhưng em có cảm nhận được tình cảm của anh ấy dành cho em hay không? Em có cảm thấy hạnh phúc khi ở bên cạnh bạn trai của mình hay không? Nếu câu trả lời là không chắc chắn hoặc chưa rõ ràng thì tình cảm của các em có thể sẽ không đi tiếp được như anh ấy nói. Hẳn là em dành cho họ rất nhiều tình cảm nhưng em hãy thử xem xét, đó là tình yêu hay là một thói quen mà em đang sở hữu? Tôi thấy em không chia sẻ rõ ràng về chuyện tình cảm này nên chỉ dừng ở mức độ phỏng đoán và đặt câu hỏi để em tự suy nghĩ về tình cảm của mình.
Em nói rằng “em không biết phải làm sao nữa, muốn dừng lại nhưng không làm được”. Đây là vấn đề thách thức với rất nhiều người khi đối mặt với việc chia tay. Để giúp em có thể đối diện với vấn đề này dễ dàng hơn, tôi xin đưa ra một vài gợi ý sau:
Bước 1: Cần khoảng lặng cần thiết để suy nghĩ về tình cảm của mình
Trong trường hợp này, em hãy học cách đối diện với việc chia tay bằng cách cần thiết tạo ra một khoảng lặng cần thiết để cả hai sẽ cùng suy nghĩ một lần nữa về tình cảm của mình, đồng thời cũng giúp em học cách quen dần với việc không có họ ở bên cạnh thường xuyên như trước nữa. Hãy nói với họ rằng mình cần bao nhiêu thời gian cho việc này và trong thời gian đó hai người không có liên hệ nào kể cả email, tin nhắn điện thoại hay bất cứ phương tiện nào để nói chuyện.
Bước 2: Học cách quyết định dứt khoát
Thông thường việc chia tay sẽ trở nên khó khăn bởi sự chần chừ và không dám kết thúc mối quan hệ bởi mỗi người thường cảm thấy nuối tiếc về những điều đã qua, hoặc còn rất nhiều tình cảm dành cho đối phương, hoặc vẫn nuôi hy vọng nào đó cho tình cảm này. Nhưng thử tưởng tượng, em đã mất rất nhiều thời gian hoặc cơ hội mà tình cảm này không tốt lên thì liệu chuyện này có đáng để em tiếp tục dằn vặt như vậy hay không?
Bước 3: Nói chuyện thẳng thắn và trực tiếp
Đây là bước rất khó khăn nhưng đó là việc quan trọng. Đừng chờ đợi một cách bị động vào việc để cho họ nói trước vì biết đâu với bạn trai của em đã nói “tình cảm hai người chắc không đến được với nhau” cũng có thể là ngầm ý cho việc chia tay. Em đừng gửi một tin nhắn, email cụt ngủn hoặc quá dài dòng khi đề cập đến chuyện này. Gặp nhau một lần mặt đối mặt và nói thẳng thắn về chuyện này và nếu có thể, hãy huy động các giác quan cần thiết vào cuộc đối thoại. Ai chủ động trước không quan trọng, bởi việc kết thúc một chuyện tình cảm cho một khởi đầu tốt đẹp hơn cho cả hai, tại sao không?
Bước 4: Mạnh mẽ vượt qua
Thông thường sau khi chia tay, cả hai đều chờ đợi tín hiệu từ bên kia hoặc thậm chí chính mình rất muốn gửi cho họ một thông điệp hoặc tìm hiểu về cuộc sống của họ bây giờ ra sao. Đây là lúc con người trở nên yếu đuối nhất, bắt đầu cảm giác ám ảnh và đau khổ kéo dài. Nhưng lúc này em cần phải mạnh mẽ, yếu lòng chỉ làm cho mọi chuyện trở nên kéo dài và tồi tệ thêm mà thôi. Học cách quên đi bằng cách tắt facebook, tắt điện thoại và bước ra ngoài gặp gỡ bạn bè, làm những công việc mà mình yêu thích hoặc những việc mà em đã bỏ quên, em sẽ cân bằng mọi thứ được nhanh hơn. Nếu em thực sự yêu họ, hãy để cho cả hai tự do khi tình cảm dành cho nhau không còn như trước.
Nhà văn Trang Hạ từng nói: “Chia tay là một học phần bắt buộc để ta có được tấm bằng tình yêu. Vì rất đơn giản là, tôi chưa từng được gặp một người nào mà từ bé đến lớn chỉ quen một người, chỉ yêu một người, rồi sống với người ấy đến đầu bạc răng long”. Mong rằng những dòng chia sẻ này sẽ phần nào giúp em nhìn rõ tình cảm và con đường phía trước của mình. Thân mến!
Chuyên viên tư vấn Vũ Ánh Tuyết
Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm