Chuẩn bị đồ đạc cẩn thận trước mỗi chuyến phượt là việc làm vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể lường trước những khó khăn nào đang chờ đợi mình nên càng mang đầy đủ vật dụng cần thiết, bạn càng linh hoạt trong chuyến đi. Dưới đây là một số gợi ý vật dụng bạn cần mang theo khi lên đường.
Đèn pin nhỏ
Bạn nên chọn loại đèn pin nhỏ, chất lượng pin bền, tốt nhất là sử dụng năng lượng mặt trời. Những ai phượt thường xuyên nên trang bị đèn pin chuyên nghiệp có chế độ nháy đèn cứu hộ. Đèn pin nhỏ dành cho dân phượt có ánh sáng tốt, giúp soi rọi những góc tối, độ bao phủ ánh sáng rộng, hữu ích khi băng rừng ban đêm, chiếu đèn hỗ trợ cho canô nếu đi trên biển vào buổi tối và nhiều trường hợp khác.
Dây thừng
Hãy mang theo dây thừng trong hành trang phượt của bạn. Có thể ban đầu bạn không biết nên làm gì với nó, nhưng lúc gặp chuyện chẳng may, dây thừng có thể rất hữu ích, đặc biệt trong trường hợp băng rừng, trèo đèo, leo núi... Nếu người đồng hành của bạn chẳng may trượt chân, thì sợi dây thừng sẽ giúp bạn có thế đứng tốt hơn để kéo người bạn của mình. Nhớ thắt nút dây thừng để người khác dễ dàng bám vào dây hơn.
Dao đa năng, bật lửa
Loại dao này được thiết kế với nhiều công dụng. Bạn có thể khui đồ hộp, mở nút chai, cắt đồ ăn hoặc thậm chí tự vệ khi gặp nguy hiểm. Có dao đa năng trong người, bạn sẽ không lúng túng khi ở trong rừng sâu. Tùy vào mức độ quan trọng của mỗi chuyến đi mà bạn trang bị dao đa năng trong hành trang phượt. Cũng đừng quên mang theo bật lửa, loại zippo thì càng tốt vì bạn sẽ cần nó để nấu nướng, nhóm lửa trại...
Dụng cụ y tế
Đừng mải mê với sức hút của chuyến đi mà quên chuẩn bị dụng cụ y tế. Những rủi ro như té ngã, mất máu, bạn đồng hành bị mất nước, bất tỉnh... vốn xảy ra thường xuyên với dân phượt. Những lúc đó, kỹ năng sơ cứu cùng đồ nghề y tế sẽ giúp bạn. Hãy chuẩn bị một hộp đồ dùng y tế gồm băng, gạc, bông, dây garo. Mang theo một số loại thuốc quan trọng như oxy già, thuốc đỏ, thuốc đau bụng, thuốc giảm đau, dầu gió, nẹp nhôm phòng trường hợp bị gãy tay hoặc chân, trà gừng để giải cảm, tăng huyết áp.
Nhiều người trong trường hợp khẩn cấp còn sử dụng luôn băng vệ sinh phụ nữ để cầm máu vết thương. Vì là vật dụng dùng trong ngày đèn đỏ nên băng vệ sinh có tính siêu thấm và khử trùng an toàn, sử dụng linh hoạt khi cầm máu, băng vết thương. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng từ 4 đến 8 tiếng, sau đó nên chuyển người gặp nạn đến nơi cấp cứu gần nhất.
Bộ bọc khuỷu tay, đầu gối và kính râm
Dành cho những bạn cầm lái khi phượt bằng xe máy. Bộ bọc này giúp giảm thiểu chấn thương cho bạn nếu chẳng may bị ngã. Bạn có thể dễ dàng mua cho mình một bộ ở cửa hàng. Ngoài ra, trong chuyến đi dài, bạn cần trang bị cho mình chiếc kính râm hoặc kính mát ôm sát vào mắt để tránh bụi đường và gió táp ảnh hưởng đến tay lái.
Tất, đồ lót và bịt tai
Tốt nhất nên mang theo 3-5 đôi tất sạch để thay khi đi phượt. Tất có tác dụng giữ ấm nên bạn cứ mang theo nhiều để tự bảo vệ sức khỏe. Đi phượt bụi bặm và tình hình vệ sinh có thể không như bạn nghĩ nên việc mang theo đồ lót sạch để thay thường xuyên là điều cần thiết. Nếu nơi bạn đến thời tiết lạnh thì đừng quên thủ sẵn đồ bịt tai để đôi tai không bị nhói buốt.
Túi đồ dùng cá nhân
Bạn nên chủ động chuẩn bị cho mình vật dụng cá nhân cần thiết như kem chống nắng, nước rửa tay loại khô, kem và bàn chải đánh răng, áo mưa, kem dưỡng da, khăn giấy ướt và khô... Nên dành một ngăn trong túi để đựng các giấy tờ quan trọng như hộ chiếu, giấy phép lái xe, ít tiền mặt...
Túi ngủ
Những ai từng đi phượt đều hiểu rằng việc ngủ trong rừng dưới sương lạnh hay lưng chừng núi là điều rất bình thường. Chính vì vậy, một chiếc túi ngủ là vật dụng không thể thiếu của phượt thủ. Sau một ngày dài mệt mỏi, công việc còn lại chỉ là chui vào túi ngủ, kéo khóa lên và làm một giấc đến sáng hôm sau.
Thảo Nghi