Thời gian gần đây, các địa phương xảy ra một số vụ cháy nổ liên quan tới pin Lithium - Ion và xe máy điện, xe đạp điện để lại hậu quả nghiêm trọng. Người dân thường sử dụng bình chữa cháy xách tay có sẵn trong gia đình và trong cơ sở kinh doanh để dập lửa.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (Hiệp hội) cho biết khi cháy pin Lithium - Ion trên xe điện cũng như trên thiết bị khác, việc dập tắt bằng các loại bình chữa cháy thông dụng không hiệu quả. Hiệp hội vừa thử nghiệm một số loại bình chữa cháy xách tay, dưới sự tham gia của cán bộ chuyên môn Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an).
Để thực nghiệm, Hiệp hội sử dụng 5 loại bình chữa cháy xách tay gồm bình bột, bình khí C02, bình chữa cháy gốc nước Eco Fire 6, bình gốc nước F500 EA công nghệ bọc phân tử, bình Orion OR-6 (sử dụng dung dịch chữa cháy hợp chất Orio). Ngoài ra, họ cũng thử nghiệm thêm phương án dùng cát chữa cháy. Năm xe đạp điện sử dụng pin Lithium - Ion được sử dụng.
Ông Bùi Xuân Thái, đại diện Hiệp hội, cho biết tình huống thử nghiệm là đám cháy bùng phát trên khối pin, lan ra toàn xe, các viên pin phát nổ, bắn văng ra ngoài. "Trước, trong và sau cháy đều được đo nhiệt độ. Các viên pin bắn ra xung quanh cũng được đo và ghi nhận nhiệt độ", ông Thái cho biết.
Ở chiếc xe điện đầu tiên, khi nhiệt độ trên 500 độ C, pin phát nổ, nhân viên kỹ thuật bắt đầu sử dụng bình bột, bình khí C02. Khi phun hết cả hai bình, chiếc xe điện vẫn bùng cháy. Hỏa hoạn chỉ được dập tắt khi sử dụng bình chữa cháy Orion OR-6. Nhiệt độ cũng giảm xuống còn gần 120 độ C.
Ba chiếc xe sau đó lần lượt được chữa cháy bằng bình gốc nước Eco Fire 6, F500 EA và Orion OR-6. Kết quả đều dập tắt được đám cháy. Trong đó, bình F500 EA dập tắt cháy trong 2 phút; bình Orion OR-6 và Eco Fire 6 dập trong 4 phút.
Bình Eco Fire 6 dù dập tắt đám cháy, nhiệt độ vẫn trên 230 độ C, dẫn tới nguy cơ cháy lại. Hai bình còn lại lần lượt ghi nhận nhiệt độ sau cháy 50-80 độ C, ngưỡng an toàn.
Ở chiếc xe điện còn lại, đơn vị thực nghiệm dập tắt bằng cát và phải đẩy xe đổ xuống sàn. Kết quả cho thấy lửa tắt nhưng không hoàn toàn, khói vẫn nghi ngút và nguy cơ cháy lại cao. Để dập lửa hoàn toàn, người dân có thể phải sử dụng lượng cát lớn để bao phủ toàn bộ đám cháy.
Theo ông Thái, quá trình thử nghiệm, các viên pin Lithium - Ion phát nổ và văng ra xa trên 30 m với độ cao ước lượng 15 m so với vị trí của xe điện. Viên pin văng ra nóng khoảng 250 độ C. Bởi vậy khi dập các đám cháy này, người chữa cháy phải trang phục đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn.
Việt An