Chiều 31/12, ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản thành nhà Hồ cho VnExpress biết, khảo sát vùng đệm di sản cách thành khoảng 3 km về phía Đông Bắc, trung tâm đã phát hiện một ổ đạn đá gần 100 viên tại làng Đồi Mỏ (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Đạn đá phát hiện tại làng Đồi Mỏ được trưng bày tại thành nhà Hồ. Ảnh: Lê Hoàng.
Số đạn đá này nằm sâu trong lòng đất 50-70cm, hình tròn, bề mặt được mài tương đối nhẵn, có kích thước khá đều nhau với đường kính khoảng 5-8 cm. Đạn đá chủ yếu làm từ đá vôi, một số được làm từ đá cuội và đá sa thạch.
Theo ông Toán, so sánh mẫu đạn đá ở làng Đồi Mỏ với số đạn đá được khai quật tại thành nhà Hồ trước đó cho thấy có sự tương đồng về chất liệu, hình dáng, kích thước và kỹ thuật chế tác...
Trước đó, trong đợt khai quật đường Hoàng Gia (nối liền cửa nam thành nhà Hồ với đàn tế Nam Giao ở núi Đốn Sơn dài khoảng 3 km), các nhà khoa học Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện hàng trăm đạn đá cổ dùng cho súng thần công. Trong số này có rất nhiều viên đã chế tác thành viên đạn đá hoàn chỉnh, hình tròn, được mài đẽo công phu. Viên to đường kính khoảng 10-15 cm, viên nhỏ chỉ 5-7 cm.
Việc phát hiện đạn đá tại làng Đồi Mỏ và đường Hoàng Gia được các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá là cứ liệu quan trọng, góp phần củng cố những nghiên cứu về “thần cơ thương pháo” - loại súng thần công được Hồ Nguyên Trừng (con trai cả Hồ Quý Ly) phát minh cách đây hơn 600 năm.

Trong đợt khai quật khu vực đường Hoàng Gia trong khuôn viên thành nhà Hồ đầu 2013, các nhà khoa học phát hiện hàng trăm viên đạn đá, bi đá lớn nhỏ. Trong số đó có những viên có kích cỡ rất lớn. Ảnh: Lê Hoàng.
Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy.
Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Lê Hoàng