Anh Lê Hoàng Anh, nhà đối diện với nhà nạn nhân, cho rằng lực lượng cứu hộ còn bị động nên việc tìm kiếm hai cháu bé mất 6 tới tiếng kể từ khi nhà sập. "Họ còn chưa có những thiết bị cần thiết để làm việc. Tôi nghĩ cần có khóa đào tạo cứu hộ khẩn cấp, thực sự chuyên nghiệp cho lực lượng này", anh Hoàng Anh nói.
Ông Nguyễn Đức Thảo, tổ trưởng tổ dân phố 51, phường Bách Khoa đánh giá: "Sáng nay lực lượng cứu hộ làm hơi chậm, phương tiện kỹ thuật quá kém".
Lối đi vào căn nhà bị sập chỉ rộng chừng 1,5 m. Ảnh: Lê Hiếu. |
Tuy nhiên, trao đổi với với VnExpress, trung úy Lê Văn Thinh, Đội phó Cứu nạn cứu hộ, Phòng cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm cho biết, không thể triển khai công tác cứu hộ nhanh được. Khi tiếp cận hiện trường, các đơn vị (cảnh sát PCCC của quận Hoàn Kiếm và Hoàng Mai) đưa ra phương án nhanh chóng, trong đó có tính đến dùng máy xúc.
"Tuy nhiên, phương án này đã bị loại trừ do tường các nhà bên chỉ xây 10 cm, rất yếu, nếu dùng máy không chỉ ảnh hưởng tới các nhà mà nguy cơ rất cao là vỡ các khối bê tông, đè lên người nạn nhân", anh Thinh giải thích.
Theo cảnh sát này, do căn nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo, sát tường là nhà để xe và trạm biến áp nên xe cứu hỏa, cứu thương cùng lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận hiện trường theo hướng cửa chính mà phải vòng ra phía sau, nhờ sân của khu chung cư cạnh đó.
"Phương án lý tưởng nhất là dùng máy cẩu nhấc bổng tum (lồng sắt dùng phơi quần áo) để đưa nạn nhân ra ngoài nhưng không thể triển khai do mặt bằng không cho phép, con ngõ quá nhỏ", anh Thinh nói.
Ngôi nhà bị sập chỉ rộng chừng 12 m2, nằm kẹp giữa nhiều nhà dân. Ảnh: Lê Hiếu. |
Không có phương tiện, máy móc lớn nào hỗ trợ, tất cả khoảng 20 người phải cứu hộ cứu nạn bằng tay. “Chỉ có máy thủy lực cầm tay để hỗ trợ khoan phá. Đây là nguyên nhân chính khiến công tác cứu hộ kéo dài nhiều giờ và không thể đưa hai bé ra ngoài sớm hơn”, trung úy Thinh giải thích.
Trung tá Đặng Bích Việt, Phó công an phường Bách Khoa, người tham gia đảm bảo an ninh trật tự, cũng cho rằng lực lượng cứu hộ đã rất khẩn trương. Tuy nhiên quá trình tiếp cận hiện trường gặp phải một số khó khăn do con ngõ quá nhỏ, phương tiện mất nhiều thời gian để tiếp cận.
Trước đó khoảng 5h30 sáng 3/11, khi chị vợ dậy bật điện ở tầng một, bỗng khí gas phát nổ. Chấn động làm toàn bộ tum và tường tầng 2-3 của ngôi nhà bị đổ sập, đè chết hai cháu bé là Trần Thị Ngọc Tâm (15 tuổi) và Trần Duy Anh (6 tuổi) đang nằm trên tầng hai. Bố mẹ cháu bị bỏng nặng.
Diễn tiến vụ nổ khí gas làm sập nhà - 5h30, khi bật bếp gas, khí gas phát nổ khiến ngôi nhà ở đường Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đổ sập toàn bộ tum và tầng 2-3. - Hơn 7h, lực lượng cứu hộ cứu nạn Đội Cứu nạn cứu hộ, Phòng cảnh sát PCCC quận Hoàng Mai có mặt tại hiện trường, trực tiếp tham gia cứu hộ. - 8h30, Đội Cứu nạn cứu hộ, Phòng cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm đến hỗ trợ cho Hoàng Mai cùng với nhiều phương tiện như máy kích nâng bê tông... - 10h sáng, một máy xúc được điều tới, phá đổ bức tường rào của chung cư để tiếp cận hiện trường từ phía sau. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ sau đó đã không thể sử dụng máy này để phá khối gạch, bê tông, vì mặt bằng quá chật hẹp. - 10h40, thi thể bé trai 6 tuổi được đưa ra khỏi đống đổ nát. - 11h30, dù nhìn thấy bé gái 15 tuổi, lực lượng tìm kiếm vẫn chưa thể đưa ra ngoài do bé bị kẹt giữa đống gạch vữa và trần mái tum. -12h thi thể bé gái được đưa ra khỏi đống gạch vữa, kết thúc quá trình tìm kiếm hai nạn nhân. |
N.Hưng - L.Hiếu - B.Đô