Thông tin được Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều 12/9. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận 291.971 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư và trải qua ngày thứ 21 siết chặt giãn cách.
Theo ông Châu, trên thực tế có một số địa phương không quản lý chặt F0, để F0 đi khỏi nơi cư trú, hoặc F0 hoàn thành cách ly chưa được cấp giấy chứng nhận. Vì vậy, mới đây UBND TP HCM đã ban hành văn bản về giám sát F0 cách ly tại nhà, yêu cầu các quận huyện thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc giám sát cách ly F0 tại nhà, thường xuyên kiểm tra các trường hợp này.
Trường hợp F0 tại nhà không chấp hành nghiêm cách ly, địa phương phải chuyển đi cách ly tập trung. Sau đó, chính quyền ban hành quyết định cách ly và có giấy xác nhận khi F0 đã hoàn thành cách ly. Đây là căn cứ cấp thẻ xanh Covid cho F0.
Đối với những người tự làm xét nghiệm, dương tính và tự điều trị, ông Châu cho biết không có cơ sở cho địa phương cấp giấy đã từng là F0. Vì vậy, người dân khi có kết quả xét nghiệm dương tính phải báo ngay y tế địa phương để được quản lý, chăm sóc và phát thuốc điều trị.
Trả lời câu hỏi "người dân có thể xét nghiệm để chứng minh trong người có kháng thể làm căn cứ cấp thẻ xanh Covid hay không", ông Châu cho biết việc xét nghiệm định lượng kháng thể vô cùng phức tạp. Các xét nghiệm kháng thể thương mại trên thị trường hiện chỉ đo toàn bộ kháng thể. Còn kháng thể bảo vệ không bị nhiễm bệnh là kháng thể trung hòa - loại kháng thể ngăn chặn trực tiếp protein gai trên virus thì không phải xét nghiệm nào cũng đo được.
Do đó, việc đo kháng thể chỉ có tính chất tương đối. Nhiều trường hợp có nồng độ kháng thể trong máu cao vẫn mắc bệnh và trên thế giới cũng không áp dụng phương pháp này. Đây chính là nguyên nhân hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chi tiết nào đối với phương án xét nghiệm xác định định lượng kháng thể.
"Đo kháng thể một cách chung chung coi chừng tốn kém, lãng phí mà chưa mang lại thông tin cụ thể nào", Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM khuyến cáo.
Tại cuộc họp báo chiều qua, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cũng cho biết sở là cơ quan được UBND thành phố giao nhiệm vụ tham mưu các vấn đề về cấp thẻ xanh Covid làm cơ sở kiểm soát mức độ tham gia các hoạt động xã hội khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội. Hiện các F0 điều trị ở bệnh viện khi khỏi được cấp giấy xuất viện làm căn cứ cấp thẻ xanh Covid.
Bên cạnh đó, theo quyết định của Bộ Y tế, tất cả người có xét nghiệm dương tính với nCoV dù thực hiện bằng phương pháp test nhanh hay RT-PCR đều được xem như người mắc Covid-19. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm đó, chính quyền địa phương và y tế cơ sở sẽ lập danh sách những F0 đang cách ly ở nhà để theo dõi, chăm sóc, điều trị, phát túi thuốc, túi an sinh. Vì vậy, chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm xác định thông tin cho những F0 cách ly điều trị tại nhà để cơ quan chức cấp thẻ xanh Covid.
Trong dự thảo Kế hoạch phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế của TP HCM sau ngày 15/9, ngoài người tiêm đủ 2 mũi vaccine, trường hợp được cấp thẻ xanh Covid còn là người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh; người nhiễm Covid-19, tự làm xét nghiệm, tự cách ly sau đó khỏi bệnh. Thẻ xanh có giá trị trong 6 tháng.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM cho biết tính đến chiều qua, thành phố đang điều trị gần 39.300 bệnh nhân Covid-19; hôm qua có 2.925 người xuất viện nâng tổng số bệnh nhân đã xuất viện từ đầu năm lên hơn 150.300 người.
Ngày 11/9 thành phố ghi nhận 200 trường hợp tử vong do Covid-19, tổng số ca tử vong do Covid-19 từ đầu năm đến nay trên địa bàn là 11.992.
Về vaccine, tính đến chiều qua, TP HCM đã tiêm tổng cộng hơn 7,7 triệu mũi, trong đó tổng số mũi 1 là hơn 6,4 triệu và hơn 1,3 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là hơn 880.000 người.
Hữu Công