Luật sư Trịnh Bá Thân. Ảnh: V.M.
Theo luật sư Trịnh Bá Thân (Đoàn luật sư TP HCM), việc Bệnh viện 115 công khai nhận đã nhiều lần giới thiệu bệnh nhân đi thay thận thông qua một trong những đầu mối là người tên Phong, đại diện Bệnh viện Quảng Châu là một điều hết sức bình thường. Theo ông Thân, đây thuộc về phạm trù đạo đức nghề nghiệp, tất cả những người hành nghề y đều mong muốn bệnh nhân của mình được mạnh khỏe, chống lại bệnh tật. Do vậy, khi ngành y Việt Nam chưa phát triển, chưa thể chữa trị bệnh hiểm nghèo thì bác sĩ "chỉ" thầy cho họ là điều tất nhiên, và việc này hoàn toàn không vi phạm các qui định của ngành. "Thậm chí, nếu bác sĩ biết mà không chịu chỉ mới là lạ", ông Thân nói.
Cũng theo luật sư Thân, hiện pháp luật của Việt Nam nghiêm cấm người dân mua bán các cơ quan nội tạng nói chung và thận nói riêng bởi nó nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng con người và vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Tuy nhiên, việc cho, hiến, tặng những cơ quan nội tạng lại được phép. Vì thế, trên thực tế xảy ra hàng loạt các vụ "lách luật" bằng cách công bố "cho" nhưng lại thỏa thuận ngầm giữa hai bên cho và nhận, hoặc "thanh toán" bằng những tặng phẩm có giá trị... Và hiển nhiên như thế, các cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý xử lý những trường hợp này.
Cũng cùng quan điểm như trên, nhưng theo luật sư Phan Hồng Việt, (Đoàn luật sư TP HCM), loại trừ khả năng giới thiệu cho bệnh nhân sang Trung Quốc chữa trị của các bác sĩ là vì lòng thiện. Nếu phát hiện trong các "phi vụ" này là xuất phát từ việc trục lợi cho bản thân thì vẫn có thể xử lý được.
Hiện luật pháp chưa quy định cụ thể để kết tội những người mua bán thận mà chỉ có tội giết người để lấy các bộ phận trong cơ thể. Tại Việt Nam, việc cho nhận thận hay các cơ quan nội tạng khác được pháp luật "xiết" chặt, hồ sơ thường được kiểm tra chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn có những hồ sơ rất "tinh vi" che đậy mối quan hệ mua bán giữa hai bên khiến pháp luật không buộc tội được, không thể cấm người ta cho hay tặng quà nhau.
"Theo tôi, những nhà làm luật nên ngồi lại với nhau để cùng tìm ra quy định chặt chẽ và hiệu quả hơn...", ông Việt nói.
Luật sư Chu Đức Huân (Văn phòng luật sư Thiên Quân), cho rằng việc sinh viên Tô Công Luân bán thận tại Trung Quốc và phải gánh chịu hậu quả nặng nề vì biến chứng như báo chí đã đưa tin hiện rất khó xử lý. Bởi theo luật sư, hành vi này xảy ra tại nước bạn nên phụ thuộc hoàn toàn vào luật pháp của họ. Nếu trong trường hợp phía Trung Quốc không đề nghị xử lý thì pháp luật Việt Nam không thể bắt tội những người này.
Đặt trường hợp việc này diễn ra tại Việt Nam thì vụ việc sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, tùy theo hậu quả mà người bác sĩ gây ra mà cơ quan chức năng xác định mức độ phạm tội. "Trong trường hợp của anh Luân, vị bác sĩ thay thận có thể bị truy tố về tội Vô ý làm tổn hại đến sức khỏe của người khác", ông Huân nói.
Ngoài ra, vị luật sư này còn cho biết thêm, việc các bác sĩ giới thiệu bệnh nhân đi chỗ khác chữa bệnh hoàn toàn thuộc về vấn đề y đức. Nhưng nếu phát hiện những vị bác sĩ này có tư lợi cho bản thân, làm môi giới cho việc mua bán thận thì sẽ bị truy tố chung với những cá nhân tham gia mua bán với vai trò đồng phạm.
Vũ Mai