Sùng A Mây là cô gái đẹp nhất thôn Sa Pả (xã Sa Pả, Sa Pa, Lào Cai). Một đêm trăng, cô theo bạn xuống chợ tình. Đang ngây ngất trong tiếng khèn thì cô bị một chàng trai kéo đi... Chưa đầy hai tuần sau, họ đã làm lễ cúng trời, mời bà con đến uống rượu, chứng thực họ đã nên vợ nên chồng. Lúc ấy, A Mây vừa tròn 15 tuổi.
Anh cán bộ hộ tịch xã cho biết, đa số phụ nữ ở đây, dù là người H’Mông, Dao, hay Hà Nhì, đều lấy chồng sớm, 15-17 tuổi đã làm mẹ. Phía nhà chồng thì mong có con dâu để nhận phần đất, có người làm. Còn đăng ký kết hôn thì họ chẳng cần biết đến, cứ tập tục mà làm.
Tình trạng này rất phổ biến ở các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, mà điển hình là Cao Bằng, nơi 80% các cặp vợ chồng lấy nhau không đăng ký kết hôn. Các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên như Kon Tum, Đăk Lăk cũng vậy.
Chính phủ đã giao cho Ủy ban Dân tộc và Miền núi soạn thảo một nghị định thông thoáng hơn so với Luật Hôn nhân và gia đình, từng bước điều chỉnh thói quen, tập tục của bà con. Định hướng chung là nghị định phải vừa mang tính hướng dẫn, vừa bao hàm các quy phạm có tính đặc thù của vùng, miền, đảm bảo phù hợp với tinh thần Luật Hôn nhân và gia đình. Song nội dung bản dự thảo đang xây dựng có nhiều vướng mắc.
Dự thảo văn bản không định rõ phạm vi điều chỉnh với đối tượng nào, sinh sống ở đâu. Và như vậy có thể dẫn đến việc người Kinh sinh sống ở vùng sâu, vùng xa cũng sẽ “được” theo nghị định. Dự thảo cũng không đề cập đến việc xử lý các tập tục liên quan đến hôn nhân. Hơn nữa, văn bản này không có chế tài. Theo đánh giá của luật gia Nguyễn Đặng, nghị định chỉ dừng lại ở tính “dân vận”, và tập tục kết hôn trước tuổi luật định, cưỡng ép kết hôn... sẽ vẫn còn đất sống.
(Theo Pháp Luật)