Các em bé chơi gần bức tượng phật mới được xây dựng tại Pailin, khu vực tự trị của Khmer Đỏ, gần biên giới Thái Lan. |
Tại ngoại ô Phnom Penh, gần bảo tàng diệt chủng Choeung Ek, bằng chứng của tội ác giết người hàng loạt vẫn hiển hiện. Chỉ cần cạy lớp bề mặt của những ngôi mộ tập thể là những mảnh xương, răng và quần áo trồi lên.
Thời kỳ của Khmer Đỏ bắt đầu từ ngày 17/4/1975 và chấm dứt gần 5 năm sau đó. Trong khoản thời gian này, 1,7 triệu người Campuchia đã chết vì bị tra tấn, đói, bệnh tật và làm việc quá sức.
Cuộc chiến tranh du kích của Khmer Đỏ tiếp tục sau đó hơn hai thập kỷ. Pol Pot, thủ lĩnh lực lượng này đã không được ủng hộ và mất chức lãnh đạo vào năm 1997. Ông ta chết một năm sau đó và nhiều người đoán rằng Pol Pot đã tự tử.
Ta Mok, hiện 80 tuổi và được biết đến với cái tên "Đồ tể", một nhân vật cao cấp trong hàng ngũ Khmer Đỏ đang mòn mỏi tại một nhà tù ở Phnom Penh để chờ ngày ra tòa vì tội ác chiến tranh.
Thủ tướng Hun Sen đã thỏa thuận với một số lãnh đạo của Khmer Đỏ, ví dụ như Noun Chea, cánh tay phải của Pol Pot, hay Khieu Samphan, thủ tướng của chính phủ Khmer Đỏ. Những người này đã rời bỏ Khmer Đỏ năm 1998 và hiện sống tại Pailin, giáp với Thái Lan.
Noun Chea ngồi trong phòng ngủ của ông ta gần Pailin hôm 10/3/2005. |
Noun Chea ngồi yên lặng trong phòng ngủ làm bằng gỗ, nhìn mặt trời mọc và nghe bản tin buổi sáng từ chiếc radio rẻ tiền do Trung Quốc sản xuất. Cũng như Khieu Samphan, ông ta ít khi trả lời phỏng vấn và từ chối nói về quá khứ.
Pailin, từng là pháo đài của Khmer Đỏ. Những mỏ đá quý từng được dùng để trả tiền mua vũ khí cho lực lượng này trong 20 năm, gần như đã cạn kiệt. Những cây gỗ tếch, một nguồn thu quan trọng khác, cũng không còn nữa.
Nhiều người ở Pailin đang sống trong cảnh khốn cùng, như người dân ở nhiều vùng khác của Campuchia, nơi hơn nửa số dân có thu nhập trung bình chưa đầy 1 USD mỗi ngày. Các cánh rừng sum sê ở Pailin, từng là nơi ẩn nấp hoàn hảo cho Khmer Đỏ, đã bị đốt để làm rẫy và vẫn chờ mưa suốt hai năm qua.
Ngọc Sơn (theo AP)