Khiếu nại, tố cáo đều là các quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013.
Khiếu nại và tố cáo khác nhau ở các điểm cơ bản sau
- Khái niệm:
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật của cán bộ công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình (khoản 1 điều 2 Luật Khiếu nại 2011).
Tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (khoản 1 điều 2 Luật Tố cáo 2018).
- Chủ thể thực hiện quyền:
Công dân, cơ quan, tổ chức đều có quyền khiếu nại; còn tố cáo chỉ thuộc quyền cá nhân.
- Đối tượng của khiếu nại là các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật.
Đối tượng của việc tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.
- Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện:
Người khiếu nại có thể tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và được quyền rút khiếu nại. Người khiếu nại có quyền khiếu nại lần thứ hai hoặc khởi kiện ra Toà án khi không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại mà không cần phải có căn cứ cho rằng việc giải quyết khiếu nại không đúng pháp luật.
Người tố cáo không được uỷ quyền cho người khác mà phải tự mình tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đến bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào; không được rút tố cáo và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình. Chỉ được tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết.
- Thẩm quyền giải quyết:
Cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là cơ quan có người thực hiện hành vi hành chính hoặc người đã ra quyết định hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án.
Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng nào thì có thẩm quyền giải quyết tố cáo thuộc chức năng của cơ quan đó. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước đã tiếp nhận tố cáo nhưng xét thấy đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo biết.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội