![]() |
Ảnh: Corbis.com. |
Đây chỉ là một trong rất nhiều lần hai vợ chồng anh Chuẩn, chị Vân ở khu bán đảo Linh Đàm, Hà Nội cự nự nhau về chuyện dạy con.
Khi bố mẹ chẳng ai chịu ai
Chị Vân làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của nước ngoài nên rất hay tham khảo sách báo và kinh nghiệm của bạn đồng nghiệp về giáo dục trẻ và áp dụng với cậu con đầu lòng. Thế nhưng, anh Chuẩn lại cho rằng: "Đó chỉ là một mớ lý thuyết suông, con mình mình hiểu, làm sao phải nhờ cậy đến ông nọ bà kia ở tận đâu đâu". Vì thế, quan điểm chị đưa ra anh đều phản bác. Ví như, chị muốn xây dựng cho con tính tự lập nên muốn để cậu bé tự xúc đồ ăn và ra ngủ riêng từ bé thì anh lại bảo: "Mình cô Tây hóa là đủ rồi chứ đừng bắt nó sống thế, rồi nó đâm xa cách, thiếu tình cảm với gia đình".
Chị cũng không vừa: "Thế anh muốn nó như anh chắc, bảo thủ, vô tâm".
Thấy vợ cãi lại, anh Chuẩn cho rằng chị cậy mình có thu nhập cao, giỏi giang sinh coi thường chồng. Từ đó, không chỉ chuyện dạy con, việc gì dù nhỏ nhặt nhất, hai người cũng khó thống nhất và chia sẻ với nhau.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội, xung đột về cách giáo dục con cái dù ít hay nhiều đều tồn tại ở tất cả các gia đình. Điều đó cũng dễ hiểu bởi vợ chồng dẫu sao vẫn là hai cá thể với cá tính khác nhau, sống ở hoàn cảnh và môi trường giáo dục không như nhau. Vấn đề là khi đã là một gia đình, có "tác phẩm" chung thì dù mâu thuẫn, họ cần biết lắng nghe, bàn bạc và thống nhất với nhau để giúp con phát triển tốt.
Tuy nhiên, có những đôi xung khắc hoàn toàn kiểu như "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" khiến đứa trẻ không biết đâu là đúng, đâu là sai và mất cả niềm tin vào cha mẹ. Cũng có cặp vợ chồng, người này muốn áp đặt cách dạy con của mình lên người kia. Chẳng hạn bố là người gia trưởng muốn tỏ quyền uy, giáo dục con theo cách của mình và bắt mẹ phải làm theo. Điều này cũng nguy hiểm không kém, nhất là khi người kia bề ngoài tỏ vẻ phục tùng nhưng sau lưng lại ngấm ngầm phản bác bằng cách chỉ bảo con theo cách ngược lại.
Như trường hợp gia đình chị Nhã, anh Xuân ở Cầu Giấy, Hà Nội là ví dụ.
Là một chủ doanh nghiệp khá thành đạt, anh Xuân muốn cô con gái mình sau này cũng phải thật nổi trội. Anh cho con tham gia các lớp học năng khiếu rồi thuê người về dạy kiến thức, dạy đàn từ khi cô bé 4 tuổi. Không những thế, anh còn thường xuyên mang con đi theo các buổi tiệc tùng "để cho nó tự tin, bạo dạn, sau này còn làm nhà ngoại giao". Mặt khác, anh cũng rất nghiêm khắc, chỉ cần con mắc lỗi hay có kết quả học tập không được như ý là mắng và phạt ngay.
Thấy con gái không được chơi đùa như các bạn, chị Nhã xót lòng nhưng vốn sống phụ thuộc vào chồng nên chẳng cãi lại, chỉ giấm giúi chiều chuộng con rồi oán trách anh.
Cứ thế, cô bé đâm ngày càng xa cách bố và biết tận dụng sự nuông chiều của mẹ để thỏa mãn những đòi hỏi của mình. Anh Xuân cũng dần nhận ra điều này và chẳng tiếc lời chì chiết vợ. Hai vợ chồng tuy không có những cuộc cãi vã nảy lửa nhưng ai cũng mang bộ mặt lạnh tanh và nhìn nhau bằng ánh mắt thù địch.
Cần nhất sự tôn trọng và lắng nghe nhau
Bà Mùi cho rằng, vợ chồng, nếu biết phát huy đặc trưng về giới trong vai trò dạy con sẽ có hiệu quả rất cao. Chẳng hạn, người cha thường có cái "uy" riêng có thể chỉ bảo hướng dẫn con, đặt ra những mục tiêu cho con phấn đấu hay kìm hãm những ước muốn không đúng của trẻ và uốn nắn các tật xấu. Người mẹ bằng tình yêu thương sẽ nâng đỡ về tinh thần, giúp con phát triển cảm xúc, cho con cảm giác tự tin, an toàn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cha không thể hiện tình cảm bằng cách âu yếm, nựng nịu hay mẹ thì chẳng bao giờ mắng mỏ, uốn nắn con.
Điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ phải xác định được mình mong muốn con trở thành người như thế nào, trên cơ sở đó để cùng thống nhất về cách dạy dỗ, từ việc định hướng cho con đến việc áp dụng các biện pháp khen thưởng hay trách phạt...
Nếu trong quá trình dạy dỗ, hai vợ chồng không thể thống nhất trong một tình huống nào đó, tốt nhất, hãy tôn trọng nhau, đừng cố giành thắng thua và tối kỵ xúc phạm nhau trước mặt con cái hay lôi kéo con về phía mình. Sau đó khi cả hai cùng bình tĩnh lại, hãy trao đổi để có được tiếng nói chung trong việc giáo dục trẻ.
Chuyên gia tâm lý khuyên, các bạn trẻ nên học làm cha mẹ trước khi có con, học từ sách vở, thực tế cuộc sống hay cả những khóa dạy bài bản. Hai người hãy bàn bạc với nhau cách xử lý các tình huống với con cái từ khi nó chưa xảy ra, có thể qua các câu chuyện trên phim ảnh, ngoài đường hay bên nhà hàng xóm để tích lũy kinh nghiệm cho chính mình.
Minh Thùy