Nghiên cứu do nhà điểu học Robert Heinsohn tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, thực hiện.
Trong thế giới loài chim, con đực thường có bộ mã sặc sỡ để làm dáng, trang điểm, quyến rũ và tranh giành con cái. Thực tế chỉ có một vài loài là có con cái trông đẹp hơn, và đó thường là do vai trò giới tính của chúng bị thay đổi. Chẳng hạn, con đực ở nhà để chăm sóc con và con cái ra ngoài tranh giành bạn tình.
Nhưng loài vẹt Ecletus roratus xuất xứ ở New Guinea nhưng được tìm thấy ở các khu rừng nhiệt đới ở Queensland lại hoàn toàn khác biệt. Không chỉ bộ lông của con cái sặc sỡ hơn con đực, các nhà nghiên cứu nay còn tìm thấy sự biến đổi màu sắc của chúng không phải do sự biến đổi vai trò giới tính, mà là do lối sống.
Thông thường, vẹt sống chế độ một vợ một chồng và cùng chia sẻ nhiệm vụ chăm sóc con cái. Nhưng vẹt E. roratus đực và cái lại có vai trò hoàn toàn riêng biệt trong việc sinh sản.
Đó một phần là bởi sự khan hiếm địa điểm làm tổ và sự cạnh tranh phi tình dục khắc nghiệt: con cái cạnh tranh chỗ làm tổ và con đực cạnh tranh quyền tiếp cận con cái. Chính những yếu tố trong lối sống này góp phần tạo ra màu sắc của chim.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy con cái màu xanh lam và đỏ nổi bật hơn con đực màu xanh lá cây trên nền lá cây để cảnh báo các con cái khác tránh xa ra khỏi tổ của chúng. Ngược lại, con đực ít nổi bật hơn trên lá cây để trốn khỏi kẻ thù. Nhưng chúng lại khá nổi bật trên nền thân cây, giúp chúng cạnh tranh bạn tình với các con đực khác.
"Đây là loài chim duy nhất có màu sắc khác nhau rõ rệt khiến ban đầu chúng bị cho là 2 loài khác nhau", Heinsohn nói.
M.T. (theo ABC Online)