Chúng làm tôi nhớ đến cuộc phỏng vấn một luật sư già cách đây hơn hai tháng. Ông có một thân chủ đặc biệt - cô bé mới 7 tuổi. Mẹ bé mang theo cả sự phẫn nộ cùng nỗi sợ hãi đến tìm luật sư. Ông nói, còn thấy cả sự day dứt của người mẹ trẻ khi chị nói vì mưu sinh mới dắt díu chồng, con lên Sài Gòn thuê phòng, ngụ ở xóm trọ nghèo.
Sau giờ đi học, tối tối, con gái nhỏ tha thẩn khắp xóm chờ ba mẹ tan ca. Đó cũng là cơ hội cho gã hàng xóm thân thiết giở trò đồi bại. Khi sự việc bại lộ, gia đình bé gái tố cáo nhưng công an chỉ gọi gã lên viết tường trình. Rồi trong lúc gia đình cháu bé chờ kết luận điều tra, gã lặn mất tăm.
Người luật sư già nói với tôi, ông biết người mẹ ấy không đành lòng để sự việc "chìm xuồng", chị mới tìm luật sư nhờ tư vấn cách đưa "yêu râu xanh" ra ánh sáng. Giọng nói đều đều của người luật sư già nghẹn lại khi thuật đến kết luận của cơ quan điều tra: chưa đủ chứng cứ nên không thể bắt, giám định cũng chỉ cho kết luận chung chung vùng kín bị bầm tím do tác động ngoại lực; màng trinh không bị rách, không có dấu vết của tinh dịch hay thứ gì khác…
Ông chuyển tông giọng chua chát khi kể người mẹ gần như bị trầm cảm, con gái nhỏ bị các bạn cùng trang lứa xa lánh, dị nghị... Họ đã chuyển đi thật xa khỏi khu trọ.
Tôi nghe ông kể, từng lời như từng nhát dao cứa vào tim. Ông bảo hiểu những khó khăn của công an khi thu thập chứng cứ song qua những gì tìm hiểu thì ông có niềm tin vào lời khai của bé gái bị xâm hại. “Đến tận bây giờ, tôi vẫn nguyên cảm giác đau đớn bất lực đó" - ông luật sư nói với tôi.
Hai cháu bé ở Phú Thọ, Bắc Giang theo cha mẹ đi xem thể thao bị cưỡng bức; trẻ học mầm non ở Hà Nội bị hàng xóm “khám người”; nữ sinh trung học ở Nghệ An bị làm nhục; bé gái học cấp 1 bị xâm hại ở Cà Mau tự tử vì kẻ thủ ác không bị khởi tố. Rồi tin tức về một vài nghi án ấu dâm khác có nguy cơ rơi vào im lặng bởi cơ quan điều tra không đủ bằng chứng… Cuối năm vừa qua, trong một phiên tòa, bị cáo thậm chí đòi có người chứng kiến việc mình cưỡng bức bé gái mới tâm phục nhận tội.
Liệu những vụ án ấu dâm còn có thể một kết cục nào khác? Nữ sinh ở Nghệ An đã uống thuốc tự tử. Bé gái ở Cà Mau, khi cơ thể đã lạnh lẽo, dòng chữ trẻ con vẫn nguệch ngoạc: “Tôi đã sắp chết không còn ở trên trái đất này nữa. Tôi chết nhắm mắt không yên khi chuyện này không được giải quyết”. Sự phẫn nộ cùng cực từ những câu chuyện như thế, tôi tin rằng thấm vào rất nhiều người đang đọc bài viết này.
Chắc chắn là ngay cả khi tội ác đã xảy ra, đó không thể là kết cục duy nhất. Người luật sư già, sau thời gian dài đau đớn và bất lực, ông nói đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm. Ông tin rằng việc cần làm nhất với các bậc cha mẹ khi đó, là bình tĩnh.
Sau những suy nghĩ quẩn quanh, tôi chợt nhận ra một điều: rằng dù mang bao sự giận dữ, điều chúng ta phải làm, là đưa ra một lựa chọn phù hợp.
Lựa chọn đó nhân danh tương lai của những đứa trẻ. Cách đây chưa lâu, trong một tọa đàm ở Hà Nội, một nữ tiến sĩ đặt câu hỏi: Tại sao những ca xâm hại tình dục lại dẫn đến tự tử? Đó là khi mà nỗi đau, sự căm giận quá lớn khiến phụ huynh tra hỏi đứa trẻ, bắt con nhớ lại; đó là khi đứa trẻ bị chính xã hội ám thị, bắt chúng phải kể đi kể lại quá nhiều lần. Rồi thậm chí là những người chứng kiến, cũng tự nhay lại câu chuyện đó nhiều lần. Bà gọi đó là “cưỡng bức lần hai”.
Chúng ta không thể vì sự bất lực đó mà tạo ra những làn sóng, những đòi hỏi "bằng chứng" điên cuồng, để rồi tạo ra sự ám ảnh với trẻ hay cả xã hội.
Bởi vì - trước khi là những nhà điều tra quyết phá một vụ án gây phẫn nộ - chúng ta là những người lớn. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là bảo vệ những đứa trẻ. Và trước khi mang tư cách “nhân chứng quan trọng”, thì chúng đầu tiên là những đứa trẻ dễ tổn thương.
Tội ác, sự bất lực và sự căm thù không tước đi quyền lựa chọn và quyền yêu thương của chúng ta.
Bảo Hà