Cách đây 3 năm, tôi có dành dụm mua được một chiếc xe Lacetti đời 2007, chiếc xe mà một số người hay gọi vui là xe “cỏ”.
Dù mới biết lái xe chưa lâu và là chiếc xe đầu tiên sở hữu, nhưng tôi cũng rất biết quy tắc pha-cốt khi lưu thông ngoài đường.
Xe tôi đèn khá kém sáng, nên nhiều khi lưu thông ngoài đường, dù đã nháy đèn nhiều lần khi bị “mù tạm thời” thì những chiếc xe đối diện vẫn không chịu hạ pha xuống, nhiều lúc cảm giác như có lẽ tôi phải chặn họ lại và quỳ xuống xin thì có lẽ họ sẽ đổi ý.
>> Có đèn đường cao áp, ôtô bật pha để làm gì?
Ban đầu tôi cứ nghĩ chỉ phụ nữ lái xe mới thường xuyên không biết hoặc “không thèm biết” về quy tắc ngầm pha-cốt, cho đến một ngày... Tôi quyết định lắp hai đèn led thay cho vị trí đèn gầm mặc định, loại bóng siêu sáng.
Cũng vì thay vị trí đèn gầm nên hai bóng đèn đó có công tắc riêng. Khi lưu thông bình thường tôi không bật. Chỉ khi đã nháy 3-4 lần đèn để “xin” rồi mà xe đối diện không nhường thì tôi mới bật.
Thật lạ, bảy trên mười xe khi tôi nháy đèn bình thường mà không nhường thì khi tôi bật công tắc đèn led lên thì họ lại hạ đèn pha ngay.
Từ đó cho thấy, không phải họ không biết quy tắc đó, mà do ý thức của người điều khiển.
>>'Người đi ôtô làm ơn đừng bóp còi, bật đèn pha vô tội vạ'
Nếu tôi nháy đèn “xin” họ ở chế độ đèn bình thường, dường như họ biết nhưng chẳng quan tâm lắm, vì đèn tôi tối, có nháy cũng không ảnh hưởng tới họ. Còn khi tôi nháy đèn để “xin” bằng đèn led, thì họ lập tức hạ pha ngay, có lẽ vì lúc đó đèn tôi sáng hơn họ, ảnh hưởng đến họ nên lúc này họ mới cần “xuống nước”.
Tôi kể câu chuyện này theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng, một bộ phận khá lớn những người tham gia giao thông không hẳn là không biết quy tắc cốt-pha, chỉ là văn hoá “nhường người khác” có lẽ chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Nếu chuyện chưa ảnh hưởng đến mình thì thường họ sẽ chẳng quan tâm lắm...
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây