From: Huong Pham
Sent: Friday, April 18, 2008 8:57 AM
Subject: Toi hieu va thong cam voi anh Tuan
Tôi hiểu và thông cảm với anh Tuấn,
Tôi là người thường xuyên đọc những dòng tâm sự của mọi người trong chuyên mục này. Thông thường, tôi chỉ đọc để tham khảo, để biết về những tình cảm, suy nghĩ của con người với con người. Quả thực, chưa một lần tôi có ý định phản hồi, dù rằng có nhiều bài viết cũng mang đến cho tôi nhiều cảm xúc và suy nghĩ. Tuy nhiên, khi đọc bài của anh, và những suy nghĩ trái chiều của rất nhiều độc giả, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và muốn viết một điều gì đó, muốn chia sẻ với anh và mọi người về những suy nghĩ của riêng mình.
Trước tiên phải nói, trường hợp của anh Tuấn không phải là hiếm trong xã hội hiện tại. Ngày nay có rất nhiều gia đình trẻ lâm vào tình trạng như gia đình anh. Khi kinh tế đủ đầy, khi mọi thứ có vẻ như rất suôn sẻ, thì dường như lại là lúc người ta nhận ra những khoảng trống trong tâm hồn. Tôi không phải là người theo chủ nghĩa hiện đại, và càng không bao giờ ủng hộ việc vội vã kết hôn và vội vã chia tay của rất nhiều cặp gia đình trẻ hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta hãy thử công bằng nhìn nhận vấn đề một cách khách quan nhất, và nếu cần hãy thử cân đong đo đếm xem thế nào thì sẽ có lợi hơn.
Tôi vẫn thường nghĩ, chia tay không phải là dấu chấm hết và ly hôn không phải để tái hôn. Khi chúng ta đã cố gắng hàn gắn, níu kéo mà tình hình không thể thay đổi, mọi việc vẫn diễn ra theo chiều hướng xấu… thì quả thực đấy là lúc mà chúng ta phải nghiêm túc dừng lại, và nếu cần thì hãy bước đi. Tôi đã có dịp đi qua nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với rất nhiều người, nhiều hoàn cảnh, tôi thấy với người phương Tây, người ta quan niệm về hôn nhân và ly hôn thật khác với người Á Đông mình.
Đối với người Á Đông, hôn nhân là một cái gì đó tuyệt đích, hoàn hảo. Và ly hôn là sự chấm hết. Thậm chí là sự sỉ nhục, mất thể diện. Nhưng ngược lại, với người phương Tây, hôn nhân thực sự là sự gắn kết giữa hai con người, hai tâm hồn. Và khi người ta thấy không còn có thể cảm thông, chia sẻ, không còn tình yêu, người ta có thể dừng lại.
Tuy nhiên, sau khi ly hôn, người phương Tây vẫn có thể coi nhau như bạn tốt, vẫn có thể chia sẻ việc nuôi dạy con cái, cùng tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống. Tóm lại, sau khi ly hôn mối quan hệ giữa vợ và chồng vẫn được tiếp tục dưới một hình thức khác. Tôi cho rằng cách quan niệm và sống như vậy là đúng và rất nhân văn.
Gia đình tôi cũng là một gia đình không toàn vẹn, nên tôi rất nhiều cảm giác mà anh đang nói. Do có những mâu thuẫn và sai lầm, mà bố mẹ tôi chia tay. Nhưng trước khi chia tay, bố mẹ đã trải qua rất nhiều lần hàn gắn. Bố cứ đi, rồi về, về rồi lại đi. Giữa những lần đi và về đó là hàng ngàn những cuộc cãi vã, xích mích. Mà than ôi, khi người ta đã cãi nhau thì chẳng còn đâu tình yêu và những lời ngọt ngào có cánh, chỉ là những mệt mỏi, xúc phạm, chán chường.
Tôi và hai em tôi đã phải chịu đựng rất nhiều năm trong sự đau khổ đó. Chúng tôi cảm thấy quá mệt mỏi, không thể tập trung vào học tập hay công việc. Mẹ thì cố gắng để giữ một mái ấm có đủ cả mẹ và bố, giữ thể diện cho gia đình, và cho chính chúng tôi. Nhưng mẹ không hiểu, lòng bao dung và sự hy sinh của mẹ không mang đến bình yên cho chị em tôi. Chúng tôi chỉ cảm thấy mệt mỏi và chán nản mỗi khi có bố ở nhà.
Những sai lầm của bố chúng tôi không thể quên, mẹ không thể quên. Nhưng mọi người đều cố gắng không nói ra để giữ cho cái được gọi là “gia đình”. Cho đến khi chính chúng tôi không thể chịu đựng được nữa, tôi đã chủ động đề nghị mẹ ly dị. Tôi muốn mẹ hãy tự giải thoát cho chính mẹ. Và cho chúng tôi. Mẹ bảo là mẹ lo và thương cho chúng tôi và cả 3 chị em đều là con gái, sợ đến lúc lập gia đình người ta sẽ dị nghị…
Tôi đã phải giải thích cho mẹ rất nhiều. Xã hội hiện tại đã khác xưa rất nhiều, trong đó con người được quyền làm chủ bản thân và được quyền đòi hỏi những gì là công bằng cho bản thân. Và như thế hệ của bọn tôi bây giờ, chúng tôi nghĩ có thì phải cho ra có, chứ không phải là quan niệm “méo mó có còn hơn không” như các cụ ngày xưa.
Quay lại trường hợp của anh, tôi nghĩ, có thể rất nhiều người không đồng tình với anh. Cho rằng anh đã phá hỏng gia đình và làm tổn thương vợ và các con anh. Nhưng tôi nghĩ khác. Khi tình yêu đã không còn, hãy chủ động dừng lại. Như thế là anh giải thoát cho vợ anh, con anh và cho chính bản thân anh.
Đừng để những đứa trẻ sống và lớn lên trong hoàn cảnh có bố, có mẹ nhưng gia đình không có tình yêu. Đừng để những đứa trẻ phải sống với việc chứng kiến bố mẹ cãi nhau hàng ngày, hàng giờ. Như thế, chúng sẽ còn bị tổn thương hơn rất nhiều. Đó sẽ sự tổn thương lâu dài, bền bỉ về mặt tinh thần, và sẽ là sự xói mòn quá trình phát triển của trẻ một cách khủng khiếp nhất.
Chúc anh giải quyết mọi việc thỏa đáng và hy vọng anh đã thực sự tìm được tình yêu đích thực của đời mình.