Các nhà khoa học Mỹ phát hiện, khí thải từ tàu thuyền khiến những cơn giông bão kèm sấm sét xảy ra nhiều hơn, Popular Science hôm nay đưa tin. Ở những khu vực có hoạt động trên biển nhộn nhịp, số lượng bão kèm sấm sét nhiều gấp đôi bình thường.
Việc bơm các hạt vật chất nhỏ vào khí quyển có thể tạo nên giông bão kèm sấm sét. Sét hình thành trong những đám mây chứa băng, nước dạng lỏng và những dòng khí chuyển động thẳng. Khi các hạt băng nặng, gọi là đá mềm, di chuyển xuống dưới do trọng lực thì những hạt tuyết nhỏ hơn sẽ đi lên trên theo dòng khí, va vào nhau và phóng điện.
Đá mềm thường mang điện tích âm còn hạt tuyết mang điện tích dương. Chúng va vào nhau gây phóng điện, tạo thành sét. Sấm sét sẽ xảy ra nhiều hơn nếu điều kiện lý tưởng, tức là những đám mây chứa nước, các hạt băng và tinh thể tuyết, xuất hiện thường xuyên hơn.
Aerosol là những hạt vật chất nhỏ dạng lỏng hoặc rắn như hơi nước, khói, bụi, góp phần tạo thành mây. Nếu không khí quá sạch, ít aerosol, thì các hạt mây cũng ít hình thành hơn.
Các hạt mây sẽ lớn và nặng khi hấp thụ nước xung quanh. Do đó, chúng sẽ rơi xuống nhanh hơn tạo ra mưa mưa mà không kèm theo sét. Nói cách khác, những hạt vật chất nhỏ trong không khí chính là yếu tố khiến giông bão mang theo nhiều sấm sét.
Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu xem, những hoạt động tạo ra các hạt này như xe cộ, tàu thuyền, nhà máy thải khí, ảnh hưởng bao nhiêu đến quá trình hình thành sét. Năm 2004, chuyên gia Robert Holzworth tại Đại học Washington bắt đầu tạo ra một hệ thống cảm biến có tên Hệ thống Định vị Sét Toàn cầu.
"Mỗi khi xuất hiện sét, sóng vô tuyến trong khí quyển sẽ bị nhiễu", Joel Thornton, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Washington, Seattle, cho biết. "Nếu đặt máy cảm biến tại những nơi có thể dò được sự nhiễu sóng, thì khi chúng dò được sự nhiễu sóng ở những thời điểm khác nhau, bạn có thể phân tích, đối chiếu và định vị được sét xảy ra ở đâu".
Katrina Virts, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Du hành Không gian Marshall thuộc NASA, đã lập một dạng bản đồ sét sau khi nghiên cứu những dữ liệu này.
"Virts chỉ ra hai dải trông giống làn tàu chạy trên biển", Thornton cho biết. Họ nhanh chóng phát hiện, sấm sét xảy ra thường xuyên hơn ở những làn tàu thuyền chạy.
Khi nghiên cứu các hạt aerosol và mối liên hệ của chúng với sự hình thành mây và sấm sét, Thornton nhận ra chất xúc tác chính là các hạt từ khí thải của tàu thuyền. Trên đất liền có rất nhiều hạt vật chất tạo ra do cháy rừng, bụi hay ô nhiễm. Nhưng ngoài biển vốn không có nhiều hạt như vậy.
Việc bơm thêm nhiều hạt vật chất trong một vùng nhỏ mà đáng lẽ không khí rất sạch khiến những cơn bão trở nên nguy hiểm hơn với nhiều sấm sét.
Những hoạt động gây ô nhiễm của con người không chỉ ảnh hưởng dài hạn đến khí hậu mà còn có thể trực tiếp tác động ngay đến thời tiết. "Bằng việc thêm các hạt từ khí thải tàu vào khí quyển, có thể chúng ta đang biến những cơn mưa bão bình thường thành giông bão kèm sấm sét", Thornton cho biết.
Thu Thảo