![]() |
Apatosaurus, một trong những loài khủng long lớn nhất. |
Hàng trăm triệu năm trước, trái đất trải qua hai thời kỳ mà bầu khí quyển cực kỳ ít ôxy, kéo theo sự tuyệt chủng của hàng loạt động vật. Nhưng, điều kiện khắc nghiệt đó không quật ngã được khủng long, bởi chúng đã phát triển một cơ chế hô hấp đặc biệt hiệu quả.
Nhà cổ sinh vật học, tiến sĩ Peter Ward, Đại học Washington (Mỹ) đưa ra lý luận này tại cuộc họp của hiệp hội địa chất Mỹ đang diễn ra ở Washington. Giả thuyết của Ward được xây dựng dựa trên đặc điểm sinh lý của khủng long và các bằng chứng địa chất gần đây cho thấy từ 275 đến 175 triệu năm trước, hàm lượng ôxy trong khí quyển ở mức rất thấp, tương đương với ở độ cao 4.200 mét ngày nay.
Ward tin rằng điều kiện ôxy thấp và thời tiết nóng nực do hiệu ứng nhà kính (gây nên bởi hoạt động núi lửa dữ dội) có thể đã kích hoạt hai đợt tuyệt chủng trên quy mô lớn. Đợt đầu tiên xảy ra cách đây 250 triệu năm ở ranh giới của kỷ Permi - Triat, đã xóa sạch 90% các loài trên trái đất, trong đó có hầu hết là các loài tiền thú, tổ tiên trực hệ của thú thực sự ngày nay. Đợt tuyệt chủng thứ hai bắt đầu cách đây khoảng 200 triệu năm, tại ranh giới giữa kỷ Triat - Jura, giết chết hơn một nửa số loài, trong đó có nhiều loài thú và bò sát giống thú. Nhưng khủng long vẫn bình yên vô sự sau hai thảm họa đó.
Ward cho biết lý thuyết của ông được chắp nối từ 3 mảnh thông tin khá đặc biệt: hệ thống hô hấp cực kỳ hiệu quả của chim; một phát hiện cho thấy nhiều loài khủng long có đặc tính sinh lý tương tự; và một nghiên cứu hồi đầu năm nay chỉ ra rằng hàm lượng oxy khí quyển là rất thấp trong hai kỳ tuyệt chủng đó.
“Có người từng nói với tôi rằng họ đã nghe, hoặc nhìn thấy ngỗng trời bay trên núi Everest - ở độ cao 10.000 mét”, Ward nói, và bổ sung thêm rằng không khí ở độ cao này rất loãng. “Nếu đưa một người lên độ cao đó, anh ta sẽ rất rất dễ chết”.
Trong khi đó, cả chim và khủng long đều có các lỗ rỗng trong xương. Và nhiều loài khủng long lớn nhất, như brontosaurus hay apatosaurus, dường như có phổi gắn với một loạt các túi khí thành mỏng (các túi này có thể đã hoạt động giống như các ống thổi đưa không khí đi khắp cơ thể). Theo Ward, “lý do mà chim phát triển những hệ thống này là chúng phát sinh từ khủng long ở khoảng giữa kỷ Jura. Và chúng chính là bằng chứng cho thấy bằng cách nào khủng long đã sống sót".
Mảng dữ liệu thứ ba mà Ward có được là thực tế vào thời điểm khủng long tiến hóa, hàm lượng ôxy ở bề mặt trái đất (mực nước biển) chỉ chiếm 10-11% khí quyển, trong khi hiện tại, tỷ lệ này là 21%.
Từ ba dữ kiện trên, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, nếu những con khủng long khổng lồ phải thở bằng thứ không khí nghèo ôxy trong thời gian lâu đến vậy, thì một hệ thống hô hấp hiệu quả sẽ là lợi thế tiến hóa lớn của chúng, giúp chúng qua mặt được các loài thú trên con đường thống trị trái đất.
Khủng long ngự trị hành tinh chúng ta trong hàng trăm triệu năm và chỉ biến mất vào khoảng 65 triệu năm trước. Hầu hết các nhà khoa học đồng ý rằng ảnh hưởng của một vụ va chạm với thiên thạch đã dẫn tới thảm họa tuyệt chủng của chúng.
Bích Hạnh (theo ABConline)