Trưa giữa tháng 12, anh Phạm Minh Vương, 30 tuổi, ở xóm Mới, xã Tân Hiệp, thuộc đảo Cù Lao Chàm, đang chợp mắt trong căn nhà cấp bốn dưới chân núi thì bị đánh thức bởi đàn khỉ vàng chạy ầm ầm trên mái tôn.
Không chỉ ban ngày, ban đêm khỉ liên tục nhảy từ nhà này qua nhà khác. "Nhà tôi có trẻ con, nhiều đêm con giật mình tỉnh giấc khóc vì tiếng động, tiếng kêu chí chóe của khỉ", anh Vương cho hay.
Sinh ra và lớn lên ở xã đảo, anh Vương chứng kiến quá trình đàn khỉ thay đổi tập tính. Trước kia chúng sống trên núi, không xuống nhà dân tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, ba năm nay, từ lúc du khách đến đảo bỏ trái cây, bánh kẹo ven đường, khỉ dần quen xuống ăn rồi ở lại khu dân cư.
Khỉ thường xuyên vào nhà lục tìm thức ăn. Nồi cơm đang nấu, chúng tự rút ổ điện, mở nắp nồi, đợi nguội lấy ăn. "Tôi không dám thờ hoa quả, bánh kẹo trên bàn thờ vì khỉ rất thích đồ này. Chúng ăn xong còn làm vỡ bình hoa và các vật dụng khác trên bàn thờ", anh Vương kể.
Cùng cảnh ngộ, bà Cao Thị Phương, thôn Bãi Làng, chủ một homestay, cho biết đàn khỉ thường xuất hiện vào khoảng 4h sáng cho đến tối. Mỗi ngày có 5-7 con, nhiều khi vài chục con từ trên núi xông vào nhà kiếm thức ăn.
"Tôi kinh doanh dịch vụ lưu trú để đón khách nên nhà không thể đóng cửa. Để ngăn khỉ vào, tôi liên tục di chuyển đồ ăn vào trong phòng kín, nhưng chúng tìm ra rất nhanh", bà kể và cho biết khỉ còn gây chập, mất điện, cắn đứt dây mạng Internet và ăngten tivi. Vườn cây ăn quả bị chúng vặt sạch.
Thấy khỉ vào nhà, bà Phương cũng như người dân ở Cù Lao Chàm chỉ biết xua đuổi. Nhiều hộ dân dùng lưới bịt kín các cửa sổ, lỗ thông gió. Song khỉ rất khôn, canh thấy người dân ra ngoài quên khóa cửa là đột nhập.
Chủ tịch xã Tân Hiệp, bà Phạm Thị Mỹ Hương cho biết ngày nào khỉ cũng xuống phá hoại nhà dân, số lượng hàng chục con. Chính quyền xã đã báo cáo với UBND TP Hội An mời chuyên gia đánh giá hiện trạng, tìm giải pháp bảo vệ loài khỉ cũng như để chúng không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cho biết khỉ ở Cù Lao Chàm có tên khoa học Macaca Mulatta, thuộc loài động vật rừng hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhóm 2B, hiện chưa xác định được số lượng.
Để ngăn khi xuống nhà dân, theo ông Vũ phải có những cơ sở khoa học nhất định. Ban đã lập đề cương nghiên cứu, nhưng chưa có kinh phí thực hiện. Trong lúc chờ nghiên cứu và đánh giá cụ thể, người dân cần cắt đứt nguồn thức ăn thụ động của khỉ, rào chắn nhà cửa và cất đồ đạc cẩn thận. Du khách không được cho khỉ thức ăn, từng bước đưa khỉ trở về tập tính kiếm ăn trong rừng.
Cù Lao Chàm cách bờ biển Cửa Đại, TP Hội An, 18 km, được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển. Nơi đây có 8 hòn đảo, khoảng 3.000 dân sinh sống. Mùa hè, mỗi ngày trên 4.000 khách đến đảo tham quan.