* Porto - Juventus: 3h thứ Năm 18/2, giờ Hà Nội.
Khi Pirlo nhậm chức HLV Juventus, truyền thông Italy nói nhiều về triết lý bóng đá tấn công của ông, vốn cũng được "văn bản hoá" thành quyển luận án tốt nghiệp được lưu trữ ở Trung tâm Coverciano. Người hâm mộ thì chỉ có thể hình dung đơn giản, bóng đá của Pirlo là thứ bóng đá tấn công, mang hơi hướng của các HLV trẻ ngày nay, cầm bóng nhiều, xây dựng lối chơi từ hàng thủ...
Điều này dường như càng đúng đắn, khi Pirlo nói ông có bốn người thầy trong nghề huấn luyện. Đó là Johan Cruyff, Louis van Gaal, Carlo Ancelotti và Antonio Conte. Trừ Conte đôi khi hơi thực dụng, ba HLV còn lại đều theo trường phái tấn công,
Nhưng sự hiện diện của Ancelotti trong danh sách này ẩn chứa một thông điệm: Pirlo không ép bản thân phải đi theo một khuôn mẫu. Ancelotti là bậc thầy của "bóng đá mềm dẻo" - thứ mà Pirlo cũng thừa nhận trong một câu nói trước khi vào việc ở Juventus: "Vị trí trong bóng đá hiện đại không chỉ là chỗ đứng. Nó còn là nhiệm vụ của cầu thủ trên sân". Tức là với ông, vị trí thi đấu không hoàn toàn định nghĩa một cầu thủ. Việc anh ta làm trên sân mới là vấn đề.
Trong các buổi tập đầu tiên, Pirlo cho cầu thủ tập rất nhiều các bài di chuyển. "Tôi muốn họ biết được vị trí trên sân, thích nghi được với các kịch bản trận đấu khác nhau", ông giải thích. Dần dà, giới chuyên môn nhận ra, bóng đá của Pirlo thật ra rất... phức tạp chứ không đơn giản như hình dung ban đầu. Rất khó nắm bắt sơ đồ chiến thuật của Juventus thời ông, vì họ thi đấu với quá nhiều công thức chiến thuật.
Đồng đội cũ Claudio Marchisio nhận xét: "Pirlo đang đẩy vấn đề lên mức cực đoan. Juventus xuất phát với 4-4-2, nhưng chơi 3-5-2 khi cầm bóng, và chuyển thành 3-2-5 khi cặp tiền vệ cánh dâng cao còn một trong hai hậu vệ biên lùi xuống".
Là đồng đội của Pirlo ở Juventus giai đoạn 2005-2009, Marchisio quá hiểu tính cách đàn anh. "Điều tôi nhớ nhất trong thời gian đó là những lần Pirlo hét lên 'bình tĩnh, bình tĩnh' với các đồng đội của mình", Marchisio nói trên France Football. "Cầu thủ Juventus hiện nay dường như cũng mang tâm thế đó. Họ lên bóng từ tốn, tìm ra điểm yếu đối phương để tấn công. Họ kiểm soát trận đấu tốt, ít khi bị động và nhận ít bàn thua".
Sự khó lường của Pirlo thể hiện rõ nhất kể từ sau trận thua Inter 0-2 ở Serie A. Kể từ đó, nhà cầm quân sinh năm 1979 dường như trở nên thực dụng. Trước khi thua Napoli 0-1 trong trận đá bù ở Serie A, Juve thắng sáu, hoà một trong bảy trận liên tiếp trên mọi đấu trường, ghi 14 bàn và chỉ một lần thủng lưới. Trong thời gian ngắn ngủi này, Juventus đoạt Siêu Cup Italy, vào chung kết Cup Italy và trở lại đường đua tranh scudetto.
"Tôi cũng phải thay đổi, bởi các trận đấu luôn khiến bạn ngộ ra điều gì đó", Pirlo nói. "Gặp phải các thất bại với tôi là rất bình thường. Đây mới là năm đầu tiên tôi làm HLV. Những chi tiết nhỏ nhất cũng có thể giúp tôi phát triển".
Những gì người ta hình dung về một Juventus-của-Pirlo đá kiểu cầm bóng tấn công trong mọi trận đấu, mọi hoàn cảnh như thời Maurizio Sarri là hoàn toàn không đúng. Thay vào đó, Pirlo cho đội đá thực dụng hơn cả giai đoạn thực dụng nhất, xét trong chu kỳ Juventus thống trị Serie A chín năm liên tiếp.
Gazzetta dello Sport cho rằng Pirlo không chỉ có bốn người thầy như ông đã kể, mà còn đang học theo người thầy thứ năm, là Max Allegri - HLV nổi tiếng với lối đá thực dụng trong giai đoạn 2014-2019 dẫn dắt Juventus. Trong bảy trận đấu trước khi thua Napoli, khối phòng thủ của Juventus lùi rất thấp, không hề giống kiểu pressing tầm cao như trào lưu bóng đá bây giờ, mà rất giống kiểu Allegri áp dụng.
Theo thống kê của Gazzette dello Sport, chiều cao trung bình khối đội hình Juventus trong bảy trận vừa kể với Andrea Pirlo chỉ là 50,3 mét, so với 50,54 mét thời Allegri và 52 mét thời Sarri. Trận gặp Roma, Juventus chỉ có ba cú dứt điểm trúng hướng cầu môn, tác giả đều là Ronaldo. Họ ghi hai bàn - một do Ronaldo ghi, một do Roger Ibanez phản lưới nhà - để rồi giữ sạch lưới và thắng 2-0.
"Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ cho những trận đấu kiểu này. Roma tấn công hay, nên chúng tôi lùi thấp, phòng ngự và phản công. Chúng tôi chờ đợi cơ hội để phản đòn họ tùy từng thời điểm. Juve chơi ngược hẳn với trận gặp Roma đầu mùa. Chúng tôi hiểu rằng trong tình hình dịch bệnh, không thể lúc nào cũng đá quyết liệt với đội hình dâng cao", Pirlo giải thích sau trận.
Mùa 2015-2016, Allegri sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 cho Juventus. Khi thủ, cặp tiền vệ cánh Juan Cuadrado - Mario Mandzukic lùi thấp để chuyển thành 4-4-2. Mùa này, Pirlo dùng 3-5-2. Khi thủ, Cuadrado sẽ lùi xuống làm hậu vệ biên phải, Mc Kennie từ tiền vệ trung tâm thành tiền vệ cánh phải. Về cơ bản, sơ đồ cũng chuyển thành 4-4-2.
"Bóng đá phòng ngự không khiến tôi phiền lòng, thậm chí tôi rất hài lòng", Pirlo nói. "Nếu phải thắng thì tôi sẽ tìm mọi cách để thắng. Bạn có thể nói rằng tôi là một môn đệ của Allegri cũng được, chả sao cả".
Marchisio giải thích cách tiếp cận này: "Bạn cần nhớ rằng Andrea không có quyền xây dựng đội hình từ đầu, anh ấy chỉ nhậm chức vào phút cuối và đối diện một kỳ chuyển nhượng kỳ lạ. Đây là một Juventus 'tắc kè hoa', với nhiều yếu tố lai tạp. Anh ấy có cơ hội thay đổi phong cách thi đấu linh hoạt, ví dụ với Alvaro Morata - Federico Chiesa trên hàng công, Juventus có thể lùi sâu hơn 30 mét. Nhưng khi dùng Cristiano Ronaldo - Paulo Dybala, họ đủ hoả lực để tấn công".
Sự trở lại của Giorgio Chiellini cũng cho phép Pirlo tự tin dựa vào hàng thủ. Với Chiellini, trừ thất bại trước Inter nơi trung vệ 36 tuổi này thua sức rõ rệt trước Romelu Lukaku, các trận còn lại, Juventus đều thủ tốt. Họ giữ sạch lưới sáu trong bảy trận trên mọi đấu trường, trước khi thua Napoli 0-1 ở Serie A trận gần nhất. Pirlo tự tin có hai cặp trung vệ già - trẻ, là Chiellini - Bonucci, và De Ligt - Demiral. Những nhân tố này giảm tải cho Bonucci, cầu thủ đã phải cày ải trong một thời gian dài trên mọi mặt trận và không thể thi đấu trước Porto hôm nay.
Các chấn thương và biến động nhân sự càng tạo điều kiện cho Pirlo ứng biến. "Các trận đấu không giống nhau, và có rất nhiều đội với phong cách chiến thuật khác biệt ở Italy", ông nói. "Tôi phải đối đầu với các hệ thống đa dạng. Với mỗi trận, tôi cố tìm ra giải pháp khác nhau, bởi thi đấu với cùng một cách thức khiến bạn dễ bị bắt bài. Các đội chú ý đến bạn và mọi thứ khó khăn hơn. Tôi vẫn phải học rất nhiều".
* Lịch đấu - Kết quả Champions League
Đỗ Hiếu